Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Châu Á đẩy mạnh kiểm soát Covid-19 khi các ổ dịch mới bùng phát

Biên phòng - Mặc dù đạt được những thành công bước đầu trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia tại Châu Á – khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch Covid-19, lại loay hoay tìm cớ để trì hoãn việc tái mở cửa nền kinh tế của quốc gia mình.

Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt cho người dân vào chợ Tân Phát Địa tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước diễn biến số ca lây nhiễm mới tăng đột biến tại Châu Á, làm dấy lên những lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2, các bang của Australia đã thắt chặt việc kiểm soát biên giới và hạn chế tụ tập tại các tụ điểm ăn uống, giải trí, trong khi Walt Disney chuẩn bị đóng cửa công viên giải trí của hãng này tại Hong Kong (Trung Quốc), và Nhật Bản tăng cường truy dấu vết người nghi nhiễm Covid-19.

Với việc áp dụng các biện pháp cứng rắn và mau lẹ, Australia gần như tránh được số ca lây nhiễm và tử vong ở mức cao. Tuy vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh tại bang Victoria và số ca nhiễm mới không có dấu hiệu giảm sút tại bang New South Wales lại khiến các nhà chức trách nước này phải đau đầu.

Bang South Australia đã phải hủy bỏ kế hoạch tái mở cửa biên giới với bang New South Wales vào ngày 20-7 tới đây, trong khi bang Queensland đã áp đặt việc cách ly bắt buộc kéo dài 2 tuần đối với những người đã đặt chân tới hai khu vực thuộc vùng ngoại ô phía tây của thủ đô Sydney.

Trước diễn biến nhiều ca lẫy nhiễm có liên quan đến điểm bùng phát dịch ở bang Victoria và một ổ lây nhiễm mới phát hiện tại một khách sạn lớn ở tây nam Sydney, các nhà chức trách bang New South Wales chỉ cho phép các tụ điểm ăn uống, giải trí hoạt động với số lượng dưới 300 người.

Trong khi đó, Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, cũng đang bước vào tuần thứ hai thực thi lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần.

Định hướng sai lầm

Theo ghi nhận của Reuters, tính đến 13-7, cả thế giới đã có 13 triệu người nhiễm Covid-19, tăng khoảng 1 triệu người chỉ trong vòng 5 ngày. Hiện, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn một nửa triệu người trong vòng hơn 6 tháng qua.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng xấu đi nếu các nước không tuân thủ chặt chẽ những khuyến cáo.

“Tôi phải thành thật với các bạn rằng có quá nhiều nước đang có những định hướng sai lầm trong khi SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù số một trong cộng đồng”, Tổng Giám đốc WHO cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 13-7.

Tại Bắc Bán cầu, các quốc gia đang gấp rút kiểm soát các điểm bùng phát dịch bệnh trước mùa đông, thời điểm có thể khiến các ca lây nhiễm mới tăng cao.

Theo các chuyên gia y tế, nếu một kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai vào mùa đông năm nay có thể khiến 120.000 người tử vong ở Anh trong vòng 9 tháng.

Mặc dù chỉ ghi nhận rất ít ca lây nhiễm trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất, nhưng Hong Kong (Trung Quốc) cũng sẽ áp đặt các biện pháp cách ly xã hội từ nửa đêm 14-7, đây được coi là giải pháp cứng rắn nhất được thực hiện tại trung tâm tài chính của Châu Á.

Theo các quan chức y tế, hôm 13-7, Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận 52 ca nhiễm mới, trong đó có 41 ca lây nhiễm trong nước. Tính từ cuối tháng 1 năm nay, Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận 1.522 ca lây nhiễm, và trường hợp tử vong thứ tám được xác nhận hôm 13-7. Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, các ca lây nhiễm trong nước chưa rõ nguồn gốc gần đây cho thấy sự tồn tại của quá trình lây nhiễm thầm lặng trong cộng đồng.

Một bác sĩ lấy máu phục vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 tại khu vực Kemayoran ở Jarkarta. Ảnh: AFP

Đan xen các quy định thắt chặt và nới lỏng hạn chế đi lại

Tại Tokyo, các quan chức y tế đang nỗ lực truy vết hơn 800 người sau khi 20 người trong số khán giả và diễn viên của một buổi trình diễn gần đây có xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Mặc dù các ca lây nhiễm vẫn dai dẳng ở các thành phố lớn, khu vực nông thôn và các căn cứ quân sự của Mỹ, song trước tình hình chưa ghi nhận các ổ dịch bùng phát, chính quyền Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nới lỏng các hạn chế, trong đó có kế hoạch cho hoạt động trở lại một trong những sân bay lớn nhất tại quốc gia này.

Thành phố Bengaluru, “Thung lũng Silicon của Ấn Độ” cũng bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa mới kéo dài một tuần hôm 14-7 sau khi số ca nhiễm tăng mạnh do nới lỏng các hạn chế đi lại. Tưởng chừng đã đẩy lùi được viễn cảnh tồi tệ nhất của dịch bệnh nhờ áp dụng các biện pháp truy vết tiếp xúc, hiện, số ca nhiễm của thành phố này đã tăng đột biến từ 1.000 ca hôm 19-6 lên đến gần 20.000 ca. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân do việc đi lại của người dân sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 6.

Tuần này, Philippines cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 tăng lớn nhất trong ngày tại Đông Nam Á, và một phần thủ đô Manila sẽ bị phong tỏa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của 250.000 người dân. Người phát ngôn của tổng thống Philippines cho biết, những hạn chế cũng sẽ không được nới lỏng tại các khu vực khác của thủ đô.

Bất chấp tỷ lệ người tử vong do Covid-19 cao nhất ở khu vực Đông Á, không tính Trung Quốc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã không áp đặt lệnh phong tỏa do những quan ngại về mặt kinh tế. Được biết, hiện Thống đốc Jakarta đang cân nhắc việc thắt chặt một vài hạn chế đi lại tại những nơi có số ca nhiễm tăng mạnh ở thủ đô.

Ngay với Thái Lan, quốc gia chưa ghi nhận số ca lây nhiễm trong nước trong vòng 6 tuần cũng đã tăng cường kiểm soát an ninh biên giới do lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai cũng như làn sóng người nhập cư bất hợp pháp diễn ra trong tháng qua.

Hoàng Vũ (Theo Reuters)

Bình luận

ZALO