Biên phòng - Thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Nghị quyết 623), những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết 623 đã đề ra.

Theo chia sẻ của Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP, ngay sau khi Nghị quyết 623 được ban hành, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần BĐBP đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết 623 đến cán bộ, chiến sĩ, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị và của ngành Hậu cần. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng đã nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của công tác hậu cần, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với công tác bảo đảm hậu cần.
Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, mặc dù gặp phải không ít khó khăn, nhất là thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, nhưng các đơn vị BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác hậu cần phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị, địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là, trong công tác quân nhu, các đơn vị đã chủ động khai thác nguồn lương thực, thực phẩm, tích cực chế biến, cải tiến món ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội; tổ chức bếp ăn tập trung, chia ăn theo định suất, đảm bảo đúng, đủ tiêu chuẩn định lượng theo các thông tư của Bộ Quốc phòng. Duy trì và nâng cao hiệu quả xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy, an toàn, chất lượng; trang bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% các đơn vị đã được trang bị đồng bộ, Inox hóa dụng cụ nấu, dụng cụ chia và bàn ghế ăn. Ngoài ra, các đơn vị đã bảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị.
Về công tác tăng gia sản xuất, các đơn vị đã tận dụng lợi thế sẵn có, phát huy thế mạnh từng vùng, miền. Đồng thời, tổ chức quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng vườn rau, giàn, ao, chuồng đủ diện tích nuôi trồng và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhiều đơn vị đã bảo đảm được từ 80-85% định lượng rau xanh, trên 50% định lượng thực phẩm chính, giá sản phẩm tăng gia sản xuất đưa vào bữa ăn thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều đơn vị đã chỉ đạo các tổ, chốt tăng gia, chăn nuôi để chủ động nguồn thực phẩm, rau xanh tại chỗ. Các sản phẩm từ tăng gia sản xuất đã trực tiếp góp phần cải thiện đời sống cho bộ đội.

Cùng với đó, công tác chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho bộ đội cũng được các đơn vị chú trọng, thường xuyên duy trì tỷ lệ quân số khỏe trong 10 năm qua đạt trên 98,6%. Hằng năm, các đơn vị luôn duy trì tốt công tác khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ; xét nghiệm HIV, ma túy; tiêm phòng uốn ván cho 100% tân binh các khóa huấn luyện; triển khai khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế cho 100% quân nhân tại ngũ. Đặc biệt, trong 10 năm qua, các đơn vị BĐBP đã hỗ trợ, điều trị cho 691 gia đình vô sinh, hiếm muộn với số tiền trên 18 tỷ đồng, trong đó, 307 gia đình đã sinh con, nhiều cặp gia đình đang mang thai.
Trong phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị đã tăng cường công tác vệ sinh, phòng dịch; chủ động triển khai các biện pháp, huy động các nguồn kinh phí bổ sung mua trang bị, vật tư y tế phòng, chống dịch; phối hợp với các bệnh viện tại địa phương, bệnh viện Quân đội trên địa bàn đóng quân, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ đạt 99,97%.
Mặt khác, các hoạt động kết hợp quân dân y được triển khai ngày càng sâu rộng, sát thực tiễn, đem lại hiệu quả tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn biên giới. Đặc biệt, với hơn 150 phòng khám quân dân y được duy trì tại các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới, thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, hằng năm tổ chức khám khám bệnh từ 130.000-140.000 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí hàng tỷ đồng.
Về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị đã triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng; thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các công trình; áp dụng triệt để thiết kế mẫu đồn Biên phòng theo Quyết định số 1626/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng bảo đảm chính quy, thống nhất từ công tác quy hoạch đến kiến trúc, công năng sử dụng của từng hạng mục công trình. Ngoài ra, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn về người và tài sản doanh trại.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tích cực củng cố, sửa chữa doanh trại, cảnh quan, môi trường; chủ động triển khai mua sắm đủ doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt, đảm bảo chính quy, thống nhất. Triển khai đầu tư lắp đặt được 198 hệ thống thiết bị lọc nước loại 10m3/ngày đêm và 350 bộ thiết bị lọc nước loại 10 lít/giờ để bảo đảm nước sạch cho các đơn vị; lắp đặt 636 hệ thống tắm nước nóng, bảo đảm cho 95% quân số ở cấp đồn Biên phòng và tương đương thuộc các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh phía Bắc; xây dựng 104 bể dự trữ nước sinh hoạt cho các đồn Biên phòng khu vực Tây Nguyên và một số đồn trên đảo với khối lượng nước dự trữ là 8.530m3...

Đối với các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới, nhằm phục vụ công tác sinh hoạt của bộ đội, BĐBP đã hoàn thành sản xuất, lắp dựng 911 nhà bán kiên cố và các công trình phụ trợ thay thế các nhà bạt, nhà tạm. Các công trình sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ chốt trực dài ngày trên biên giới.
Ngoài các mặt công tác đó, công tác quản lý đất quốc phòng được triển khai thực hiện tốt. Cục Hậu cần BĐBP đã hoàn chỉnh phương án, triển khai thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và hoạt động kinh tế theo Thông tư số 58/2021/TT-BQP ngày 7/6/2021 của Bộ Quốc phòng. Phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” tại các đơn vị phát huy được hiệu quả, từ đó, nhiều cách làm hay, mô hình doanh trại tiêu biểu đã được nhân rộng ra toàn lực lượng.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 623 đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần trong toàn lực lượng, góp phần xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Thành Chung