Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 10:17 GMT+7

Chapi, tiếng ngân của núi rừng

Biên phòng - Ông Chamaléa Rấp, 56 tuổi, người Raglei (ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) là một trong những nghệ nhân hiếm hoi nắm giữ kỹ nghệ chế tác đàn chapi của dân tộc mình. Cây đàn chapi là niềm tự hào của dân tộc Raglei, nhưng người biết chơi đàn rất hiếm, người biết làm đàn càng hiếm. Những người cao niên như ông Chamaléa Rấp giờ đây đang say mê truyền dạy cho thế hệ trẻ Raglei cách chơi đàn và làm đàn chapi. Ông chỉ sợ rồi sau này, chapi sẽ biến mất…

swz2_9a
Nghệ nhân Chamaléa Rấp chế tác cây đàn chapi. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Dân tộc Raglei cư trú ở miền núi Nam Trung Bộ, gắn bó với cánh rừng, con suối, thảo nguyên nắng cháy và những ngọn núi cao. Địa hình cư trú này quy định phương thức canh tác nương rẫy, làm nhà sàn bằng tre, nứa, lá và đặc biệt, đời sống tinh thần cũng không rời xa tự nhiên. Người Raglei có không gian văn hóa làng bản và ngày hội làng, trong đó có nhạc cụ “char” là bộ chiêng đồng gồm 3 hoặc 5 chiếc chiêng không có núm; trong đó có một chiếc chiêng cái, còn lại là chiêng con.

Tuy nhiên, chiêng đồng chỉ có các dòng họ có gia thế và giàu có mới sắm được. Người Raglei chủ yếu dùng nhạc cụ là cây đàn chapi, làm bằng ống lồ ô. Đàn chapi có thể mô phỏng âm thanh của chiêng, tiếng suối reo, tiếng ngân của cây rừng trong gió..., nhưng lại không mất tiền mua. Cây đàn này rất phổ biến, nhà nào cũng cũng có thể sở hữu, nhưng nhất thiết trong cộng đồng phải có người biết kỹ nghệ làm đàn và biết chơi đàn để truyền cảm hứng cho những người khác. 

Nghệ nhân Chamaléa Rấp là một trong số ít những người biết đó. Ông được ông nội của mình truyền dạy cách chơi và chế tác chapi từ nhỏ. Từ cách lựa một cây lồ ô sinh trưởng được hơn một năm, không non cũng không già. Tránh lựa cây ở bên suối vì thân nó có thể tích nhiều nước, làm ra tiếng đàn không vang. Phải lựa cây lồ ô mỏng, dáng thanh nhã, chặt về hong khô cả tháng trời, sau đó mới mang làm đàn.

Bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm ra cây đàn từ ống lồ ô gồm 12 dây, chia thành 6 cặp. Mỗi cặp phát ra âm thanh khác nhau, trầm đục hoặc thanh cao, âm dày hoặc mỏng, tiếng gió hay tiếng suối, phụ thuộc vào cách kê và tách dây đàn. Dây đàn tách ra từ ống lồ ô được cố định bằng dây mây ở 2 đầu, sau đó mới đục lỗ ở thân ống lồ ô để tạo ra hộp âm thanh. 

Chamaléa Rấp nói rằng khi chơi đàn chapi, phải kê đàn vào bụng để cho âm thanh vang hơn, người chơi đàn thấy thoải mái hơn. Thanh âm của đàn chapi là âm thanh của luồng gió cộng hưởng khi chạy qua ống nứa, nghe như tiếng sáo, lại như trống, như đàn t’rưng, rất độc đáo.

Với ống nứa đã phơi khô, một nghệ nhân nhiều kỹ năng và thông thạo, biết âm vực của các giai điệu truyền thống của người Raglei như Chamaléa Rấp cũng chỉ làm được một cây đàn trong một ngày. Vừa làm, vừa lắng nghe và chỉnh âm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm hỏng và phải bỏ cả cây đàn. 

Tôi kiên nhẫn ngồi chờ đợi nghệ nhân Chamaléa Rấp làm xong cây đàn chapi. Nó mộc mạc như bàn tay ông, giống như một ống nứa khô. Cây đàn bắt đầu đời sống của nó là khi được nghệ nhân chỉnh dây, vang lên những khúc tấu khô khốc, vụng về đầu tiên. Nhưng càng dùng, đàn sẽ càng bóng lên nước thời gian, nâu trầm bên ngoài vỏ và âm thanh cũng nét hơn, thân thuộc hơn.

Nếu ai không biết cây đàn này, có thể không tưởng tượng được từ bàn tay thô ráp và ống tre giản dị kia có thể tạo nên những thanh âm tinh tế đến thế. Cây đàn này đã tạo xúc cảm đặc biệt để nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát “Giấc mơ chapi” mà giờ đây, người Raglei nào cũng thuộc và rất tự hào. 

Chamaléa Rấp gảy đàn chapi cho tôi nghe, bằng cây đàn do chính tay ông vừa chế tác xong. Và ngạc nhiên hơn nữa, bằng giọng hát khàn đục, tự nhiên, ông hát bài hát “Giấc mơ chapi” da diết, gói đầy niềm ưu tư lẫn hào sảng trong đó. “Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglei...”. 

Xã Ma Nới có đến 90% dân số là người Raglei, nhưng phần lớn là những gia đình nghèo. Nghệ nhân Chamaléa Rấp chia sẻ tâm tư của mình rằng, người Raglei nhìn về tương lai không chỉ có nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình mà phải làm sao đó để nhiều người biết đến, để tiếng đàn chapi vang xa hơn nữa. Hiện nay, ít người trẻ biết làm đàn, biết chơi đàn thì giấc mơ người Raglei bán được đàn chapi như một món đồ lưu niệm cho khách du lịch còn xa lắm.

Thế hệ ông cha lúc nào cũng có đàn chapi bên người. Đi rẫy họ cũng mang theo để làm bạn với mình. Những người đàn ông Raglei trên núi cao và trên thảo nguyên rất giỏi chống chọi với nỗi cô đơn. Bởi họ có nhạc cụ giản dị này làm bạn. Người chơi đàn phát ra âm thanh nào thì tâm hồn được đọc đúng như thế. Buồn vui gửi cả vào tiếng đàn như là một mã văn hóa không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào khác. 

Nghệ nhân Chamaléa Rấp cho biết, ông tham dự một lớp bảo tồn văn hóa của địa phương, mỗi tuần một buổi dạy trẻ làm đàn chapi. Ông cũng nhận thấy những người có khả năng cảm nhận âm thanh tinh tế không nhiều, nhưng chỉ cần có say mê là vốn văn hóa của dân tộc sẽ được lan tỏa, truyền lại.

Những nghệ nhân như Chamaléa Rấp đang giữ vai trò như bóng núi, như cây lớn tỏa bóng xuống bản làng, cộng đồng, giữ cho âm thanh của đàn chapi vang mãi. Ông nói, đừng tách tiếng đàn ra khỏi cộng đồng, đàn chapi phải vang lên bên suối, bên rừng mới mang hồn người Raglei.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO