Biên phòng - Bố mẹ qua đời, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... khiến nhiều em nhỏ ở khu vực biên giới biển tỉnh Quảng Ngãi phải khép lại ước mơ cắp sách tới trường với biết bao giấc mơ còn dang dở. Với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho học sinh nghèo, mồ côi, năm 2015, BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Hơn 5 năm trôi qua, những người lính mang quân hàm xanh đã bao bọc, cưu mang các em vượt qua nghịch cảnh, vững bước đến trường học tập trở thành con ngoan, trò giỏi.

Rắn rỏi trong bộ quân phục học viên sĩ quan, Phan Trương Khải khoác chiếc ba lô về thăm gia đình sau tháng ngày xa quê học tập. Mẹ Khải, bà Trương Thị Nghĩa đôi tay run run sờ con từ vai đến đầu, rồi 2 khóe mắt bà rơi lệ. Nước mắt hạnh phúc của người mẹ vì sau bao khó khăn vây quanh gia đình và bản thân Khải thì giờ em đã được học tập, rèn luyện trong ngôi trường Quân đội. Bà khóc vì ơn nghĩa, ân tình của người lính Biên phòng dành cho Khải trong suốt chặng đường em học tập và từng bước trưởng thành.
Sinh ra nơi mép biển thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Phan Trương Khải chưa một lần nghĩ mình được học tập đến hết bậc trung học phổ thông sau biến cố của gia đình. Thế nên, khi trở thành học viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự thì Khải thấy mình may mắn, bởi ngoài người cha ruột đã qua đời, bên em còn có những người “cha nuôi” hết lòng thương yêu, giúp đỡ em và gia đình. Khải cho biết, năm em lên 10 tuổi thì bố bị bạo bệnh qua đời. Mất người trụ cột, 2 năm sau, gia đình Khải “phải nhận” sổ hộ nghèo; người anh đầu nghỉ học thay cha làm nghề biển nuôi thân và phụ giúp mẹ lo cho người anh kế mắc bệnh tâm thần. Sống ở làng biển, nhìn những con tàu đánh cá đi về, Khải chỉ mong đủ sức khỏe cùng anh vươn khơi mưu sinh.
Trải lòng theo ký ức, chàng học viên năm thứ nhất, Học viện Kỹ thuật Quân sự bộc bạch: Em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh nhận đỡ đầu từ năm học lớp 7, khoản tiền 500.000 đồng đơn vị hỗ trợ hằng tháng giúp em có đầy đủ sách vở học tập. Phần quà ý nghĩa nhất mà các “cha nuôi” Biên phòng cho em là kiến thức, niềm tin và ý chí phấn đấu trở thành người sĩ quan kỹ thuật của QĐND Việt Nam anh hùng.
Phan Trương Khải là một trong hàng chục học sinh ở khu vực biên giới biển của tỉnh được BĐBP Quảng Ngãi nhận đỡ đầu trong 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi em một hoàn cảnh, một phận người nhưng đều nghèo khó và chông chênh con đường đến trường học tập. Những người lính mang quân hàm xanh đã dang rộng vòng tay nhân ái, chở che những “đứa trẻ mồ côi” bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Tháng năm đi qua, các anh đã dìu dắt các em vượt qua nghịch cảnh, bước ra ánh sáng để có thêm kiến thức và vươn tới những chân trời ước mơ.
Cách “thiên đường” du lịch Sa Huỳnh (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) một con đường liên xã, ngôi nhà của mẹ và bà ngoại cặp song sinh Huỳnh Thị Thúy Hằng - Huỳnh Thị Ngọc Thanh (sinh năm 2009) bên nào cũng “hở hang”, gió lùa tứ phía, cuộc sống của 4 người trong gia đình thiếu trước hụt sau. 12 tuổi, chị em Hằng ít nhiều bị tổn thương bởi cái nghèo, khi mẹ các em phải bươn chải, mưu sinh. Cái nghèo đã neo giữ bước chân chị em Hằng đến trường, lên lớp.
Cùng ăn, cùng ở với nhân dân, thấu hiểu hoàn cảnh chị em Hằng - Thanh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, BĐBP Quảng Ngãi thay phiên nhau giúp gia đình 2 em làm việc đồng áng, hướng dẫn 2 em học tập. Cùng với hỗ trợ tiền sách vở theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, những người lính Cụ Hồ còn vận động các nhà hảo tâm tặng phương tiện đi lại, sinh hoạt phí... tạo mọi điều kiện thuận lợi để 2 em bám lớp. Huỳnh Thị Thúy Hằng bộc bạch: “Cháu biết ơn các chú bộ đội lắm, nhờ các chú mà chị em cháu được đến trường học tập. 2 năm qua, cháu đều đạt học sinh giỏi cấp trường”.

Thượng tá Nguyễn Văn Đạt, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Ngãi cho biết, qua 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 40 cháu với số tiền hỗ trợ trên 1 tỉ đồng và nhiều vật chất khác trị giá trên 400 triệu đồng. Trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều kiêm nhiệm nhiệm vụ dạy chữ cho các cháu học sinh nghèo, mồ côi. Không tự nhận mình là thầy giáo, song bằng tình thương và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn miệt mài lên lớp uốn nắn từng con chữ, giọng đọc, truyền đạt kiến thức văn hóa cho các cháu. Đến nay, có 4 cháu vào đại học, 35 cháu đang học bậc phổ thông và tiểu học, 1 cháu chuyển đi địa phương khác sinh sống.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Đạt, sự giúp đỡ của các đơn vị đối với các cháu học sinh không chỉ thể hiện sự đồng cam cộng khổ với các cháu học sinh và gia đình thiếu may mắn, mà còn góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân ở khu vực biên giới. Vì vậy, trong chặng đường tiếp theo, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương... giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; đồng thời, làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho các em để các em phát triển cả về thể chất và tinh thần.
5 năm đỡ đầu học sinh nghèo, mồ côi với nhiều nghĩa cử, việc làm nhân văn. Có những em đã bỏ trường, rời lớp vì gia đình quá khó khăn, nhưng nhờ sự cưu mang, đùm bọc của những người lính mang quân hàm xanh, các em được trở lại trường học tập và tiến bộ. Đồn Biên phòng trở thành nơi ăn ở, đi về sau giờ đến trường, lên lớp của nhiều em mồ côi bố, mẹ. Sinh hoạt với người lính, các em ngày càng ngoan hiền, lễ phép với ông bà, cha mẹ, ứng xử văn hóa với bạn bè, người thân... Chương trình đã để lại trong lòng nhân dân và các em học sinh tình cảm sâu nặng về tình quân dân, nghĩa thầy trò ở nơi biên viễn của tỉnh Quảng Ngãi.
Văn Tánh