Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo bên kia biên giới

Biên phòng - Những năm gần đây, cùng với hàng trăm trẻ em nghèo trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên được tiếp sức đến đường, tránh xa mối nguy cơ thất học, còn có hàng chục em nhỏ đến từ những miền quê xa xôi trên đất bạn Campuchia được chắp cánh ước mơ từ Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do BĐBP triển khai thực hiện. Đây là “nét vẽ” mềm mại, đặc sắc nhất, đong đầy tính nhân văn trong “bức tranh” tươi sáng của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững. Nét đẹp đó càng trở nên trân quý, ý nghĩa hơn bao giờ hết khi những người lính quân hàm xanh phải chắt chiu chia sẻ từng đồng lương ít ỏi của mình để thực hiện sứ mệnh nâng bước em tới trường xuyên quốc gia như thế!

Đồn Biên phòng Hồ Le, BĐBP Kon Tum trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho cháu Rơ Lan Khan ở làng Choong, xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Rattanakiri, Campuchia. Ảnh: Thái Kim Nga

Niềm vui theo bước chân em tới trường

Như thường lệ, mỗi dịp bước vào năm học mới là cậu bé Rơ Lan Khan, 12 tuổi, ở làng Choong, xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia lại được bố ruột cùng các chú, các bác là thôn trưởng, già làng và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia dẫn sang cột mốc 19 để gặp gỡ những người lính đến từ Đồn Biên phòng Hồ Le, BĐBP Kon Tum. Cuộc gặp gỡ giữa những con người không cùng quốc tịch, nhưng lại chung một ước mơ diễn ra vô cùng giản dị mà trang trọng, với nụ cười luôn gắn chặt trên môi. Bên cạnh những hiện vật như quần áo, đồ dùng học tập là chiếc phong bì nhỏ, mỏng, bên trong chứa đựng số tiền không lớn, nhưng vẫn đủ để bước chân của cậu bé Rơ Lan Khan trở nên vững vàng hơn trong những buổi cắp sách đến trường.

Ông Rơ Chăm H’Dul, bố đẻ của Rơ Lan Khan chia sẻ: “Mỗi lần sang đây nhận quà của BĐBP Việt Nam là tất cả mọi người trong đoàn ai cũng thấy vui. Nếu không có sự giúp đỡ của các chú ở Đồn Biên phòng Hồ Le, chắc con mình chỉ học hết lớp 1, lớp 2, vì phải nhường cho em gái nó đi học nữa. Mình xin cảm ơn tình cảm của chính quyền và lực lượng chức năng hai bên biên giới đã mang đến cho con mình cơ hội được đến trường...”.

Niềm vui của ông Rơ Chăm H’Dul cũng chính là tâm trạng chung của những người có mặt chứng kiến buổi gặp mặt, trao quà Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” được tổ chức ngay trên đường biên giới. Để có được không gian yên ả, thanh bình và chất chứa tình người như thế, bên cạnh tấm lòng sẻ chia của người lính BĐBP Việt Nam, còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các đồng nghiệp từ bên kia biên giới. Họ đã vận động, kết nối chặt chẽ với nhau để tạo nên niềm vui, mang đến cơ hội được cắp sách tới trường cho trẻ em nghèo hiếu học. Và rất có thể, từ những nụ cười chân chất ấy sẽ mở ra khoảng trời tươi đẹp, đầy ước mơ và hoài bão dành cho những chủ nhân tương lai của đất nước Chùa Tháp.

Tương tự buổi gặp mặt, trao quà bình dị mà cao quý dành cho cậu bé Rơ Lan Khan, những “cuộc gặp hẹp” giữa các đồn Biên phòng tỉnh Gia Lai với 4 cô, cậu học trò là Ksor Hyênh, Kpuih Kênh, Rơ Lan Phước và Rơ Lan H’Plyit sinh sống trên các buôn làng dọc hành lang cửa khẩu quốc tế Ô Za Đao, thuộc tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia được tổ chức gọn, nhẹ, nhưng luôn đầy ắp tình người. Tại đây, các em không chỉ được hỗ trợ về mặt vật chất, vững vàng bước chân đến trường, mà còn được trải nghiệm những tình cảm, sự động viên, khích lệ về mặt tinh thần từ người lính BĐBP Việt Nam để bùng cháy hơn “ngọn lửa” hiếu học tưởng đã có lúc phải lụy tàn trước những khó khăn trong cuộc sống.

Điểm sáng ở vùng cực Nam Tây Nguyên

Nằm ở cực Nam Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông có đường biên giới dài khoảng 141km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Địa bàn đối diện khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông bao gồm 4 xã: K’Rông Te, Bu Sa Ra, Đăk Đam và Sen Mô Nô Rum, thuộc 2 huyện Petchanđa và Ô Răng, tỉnh Rattanakiri có sự phân bố dân cư không đều, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến thực trạng trẻ em nghèo, nhất là ở những khu dân cư xa xôi, hẻo lánh không có nhiều cơ hội được cắp sách đến trường.

Giữa đại dịch Covid-19, các cháu học sinh nghèo Campuchia vẫn nhận được sự đồng hành giúp đỡ của các đơn vị BĐBP Gia Lai tặng quà tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Thái Kim Nga

Trước thực trạng trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông đã chỉ đạo các đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn số trẻ em trong độ tuổi có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để tiếp sức, nâng bước các em tới trường. Kết quả, đã có 12 cháu được 12 đồn Biên phòng trong tỉnh Đắk Nông nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Mặc dù không đồng hành mỗi ngày, nhưng thông qua chính quyền địa phương và các đồng nghiệp từ bên kia biên giới, các cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” ở bên kia biên giới luôn được BĐBP Đắk Nông chăm lo chuyện ăn học một cách chu đáo nhất.

Thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, vào mỗi dịp khai giảng năm học mới, các đồn Biên phòng trực tiếp sang tận trường, đến tận nhà để gặp gỡ, động viên, trao quà cho các cháu. Khi dịch bệnh hoành hành, bằng sự vận dụng an toàn và linh hoạt, những người lính BĐBP Việt Nam vẫn duy trì đều đặn sự trợ giúp, bằng cách tổ chức những cuộc gặp nhỏ lẻ ngay tại đường biên, cột mốc hoặc tại 2 trạm kiểm soát cửa khẩu Thuận An (huyện Đắk Mil) và Bu Prăng (Tuy Đức) để trao gửi tình cảm của mình bằng những món quà ý nghĩa.

Sau gần 6 năm tiếp sức, nâng bước, đến nay, đã có 5 cháu học đến bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở, trong đó, có 2 cháu là Sô Văn Sóc Da (nam) và Sốc Sô Rây Đa (nữ) học đến lớp 11, Trường Trung học Sore Cleng và Đại học Hun Sen. Kết quả rất đáng khích lệ này chính là niềm vui, nguồn động lực to lớn để những người lính Biên phòng vùng cực Nam Tây Nguyên tiếp tục nỗ lực cống hiến vì một biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện. Đây cũng là minh chứng cho thấy Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” do BĐBP triển khai vừa mang giá trị nhân văn cao đẹp, vừa đề cao tính hiệu quả, góp phần giúp bạn từng bước vượt qua khó khăn trong công tác giáo dục trên địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO