Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 10:13 GMT+7

“Chắp cánh” cho nền kinh tế xanh

Biên phòng - Trước những yêu cầu phát triển mới và nhìn nhận những khó khăn từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.

Quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến sản xuất an toàn, sản xuất bền vững không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, mà còn để được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận.

Thực tế, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu có sự dịch chuyển từ nâu sang xanh với sự xuất hiện của các dự án năng lượng sạch, các mô hình khu công nghiệp sinh thái... Điển hình như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản); Nhà máy LEGO (Đan Mạch) tại tỉnh Bình Dương...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 tháng đầu năm 2022, thu hút FDI vào Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD vốn của dự án FDI đăng ký mới, dự án tăng thêm và dự án góp vốn, mua cổ phần. Dòng vốn này quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực sản xuất, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, trở thành những ví dụ tiêu biểu về chuyển đổi theo hướng xanh, tăng cường kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

Theo chuyên gia kinh tế, trước đây, bảo vệ môi trường thường được nhìn nhận với tác động làm tăng chi phí, do đó, không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các khu công nghiệp hiện đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án đầu tư sẽ thân thiện với môi trường.

Dù được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia, để tăng trưởng kinh tế và thu hút được dòng vốn FDI bền vững, chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp quản lý tác động, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính...

Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính ở những nước sản xuất.

Theo đó, những sản phẩm may mặc, thiết bị điện, thực phẩm sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm nhiều hơn. Do đó, chuyển đổi lên quy trình xanh, sản phẩm xanh trở thành yếu tố quan trọng để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới, giúp đầu ra của doanh nghiệp chuyển lên những phân khúc giá cao hơn.

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự sẵn sàng để thu hút nguồn lực này thông qua chuẩn bị danh mục các dự án tiềm năng, khung khổ pháp lý hoàn thiện để có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO