Biên phòng - Chúng ta đã bước qua năm 2020 với biết bao biến động. Tác động dịch bệnh Covid-19 cùng với thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu vô cùng lớn trong thời gian qua làm cho quá trình phát triển kinh tế, duy trì các mục tiêu tăng trưởng càng trở nên khó khăn.
Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực vượt bậc vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng để hoàn thành tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tích “độc nhất vô nhị” trong khủng hoảng Covid-19. Cho dù phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% trong năm 2020, trong khi nền kinh tế thế giới suy giảm trên 4%.
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới lý giải, thành công của Việt Nam là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (2,5%), các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Trong những tháng cuối năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD (tăng 6,5%), đạt mức xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 26,43 tỉ USD, trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới. Đặc biệt, các các tập đoàn lớn của thế giới như Apple, Google, Intel, Samsung... đều có động thái mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Một điểm sáng đáng chú ý là trong hoàn cảnh khó khăn, cả nước có gần 135 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 29,2%...
Bước sang năm mới 2021, các tổ chức kinh tế thế giới đều có chung nhận định, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh, tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021. Dự báo này dựa trên các yếu tố: khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, các ngành nông nghiệp, du lịch sẽ phục hồi, bứt phá. Các hoạt động chế tạo và chế biến khởi sắc khi nền kinh tế EU và Mỹ khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua; dòng vốn FDI mới và xu hướng chuyển dịch đầu tư tiếp tục chảy vào Việt Nam và sự cộng hưởng được hình thành nhờ đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử...
Với những triển vọng đầy lạc quan, mục tiêu tăng trưởng GDP 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%... mà Nghị quyết Quốc hội đặt ra cho năm 2021 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước...
Về tổng thể, những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo mà còn tạo ra niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Thanh Thảo