Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

“Chảo lửa” Gaza: Nguồn cơn và hồi kết?

Biên phòng - Những ngày nay, Dải Gaza “sa lầy” trong bạo lực với con số thương vong không ngừng gia tăng và có thêm hàng chục vụ tấn công được báo cáo mỗi ngày. Tính đến đầu tuần này, tức là tròn 1 tuần kể từ khi xung đột bùng nổ, số người thiệt mạng đã vượt qua mốc 200 và xu hướng của cuộc xung đột vẫn khó nắm bắt.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel (bên trái) được kích hoạt để ngăn tên lửa của Hamas từ phía Bắc Gaza. Ảnh: AFP

Israel (đa số Do Thái giáo) và người Palestine (đa số Hồi giáo) đang sa lầy vào cuộc xung đột tồi tệ nhất kể từ năm 2014. Giới chuyên gia quan sát chiến sự Trung Đông cho biết, đến đầu tuần này, tức là tròn 1 tuần bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas, ít nhất 212 người Palestine, trong đó có 61 trẻ em thiệt mạng cùng hàng nghìn người bị thương ở Dải Gaza; khoảng 38.000 người Palestine đã phải di tản, 2.500 người mất nhà cửa ở Gaza và đều đang thiếu lương thực.

Ngày 3-5, các cuộc đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát nổ ra tại phía Đông Jerusalem sau khi chính quyền Israel trục xuất một số gia đình người Palestine sinh sống tại khu vực này. Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas của người Palestine ở Dải Gaza tuyên bố sát cánh với người Palestine ở Israel để giữ đất và thề san phẳng nhiều thành phố của Israel.

Đỉnh điểm “châm ngòi nổ” cuộc chiến lần này là vào ngày 7-5, hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo Palestine tập trung vào khuôn viên nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa linh thiêng và cũng được người Do Thái tôn kính là Núi Đền để cầu nguyện vào thứ Sáu cuối cùng của tháng Ramadan. Tại đây, với tâm thế bất mãn leo thang, các cuộc đụng độ đã xảy ra giữa người Palestine và cảnh sát Israel.

Đến ngày 10-5, 700 người Palestine và hàng chục cảnh sát Israel bị thương trong các cuộc bạo động, chủ yếu trong khuôn viên các nhà thờ Hồi giáo và các khu vực khác của Đông Jerusalem trong nhiều ngày.

Ngày 10-5 cũng là ngày xung đột bùng nổ khi Hamas - lực lượng cầm quyền Hồi giáo ở Gaza phóng tên lửa nhắm vào Israel để đáp trả các hành động của Israel. Ngày 11-5, Hamas dội tên lửa xuống thành phố Tel Aviv sau khi bị Israel không kích đáp trả, phá hủy một tòa nhà ở thành phố Gaza - nơi được cho là có các thành viên cấp cao của Hamas.

Những ngày tiếp theo, Israel điều động tăng thiết giáp và binh lính dọc biên giới Gaza và không quân tiếp tục bắn phá thành phố Gaza. Giới quan sát chỉ ra rằng, Israel đã dồn lực tấn công với mục tiêu chính là nhà của các lãnh đạo Hamas, các trụ sở căn cứ ngầm... - cơ sở hạ tầng mang tính biểu tượng của Hamas. Con số thiệt hại và thương vong trong những màn bắn phá ác liệt không ngừng gia tăng. Các cuộc biểu tình trên khắp Bờ Tây cũng bùng phát dẫn đến đụng độ giữa người Palestine và quân đội Israel khiến hàng trăm người thương vong.

Cũng trong đầu tuần này, cộng đồng quốc tế bao gồm cả Mỹ đã kêu gọi ngừng chiến. Dẫu vậy, chiến sự ở Dải Gaza vẫn chưa “xuống thang” khi mỗi ngày vẫn có hàng chục cuộc không kích được thực hiện. Trong một diễn biến liên quan, một mặt trận mới trong cuộc xung đột Israel - Hamas đã mở ra khi quân đội Israel nã pháo vào Lebanon để đáp trả 6 vụ phóng tên lửa thất bại. Tuy nhiên, Israel vẫn tiến hành hàng chục cuộc không kích nhắm vào Dải Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thề sẽ buộc Hamas phải hứng chịu sự trừng phạt không khoan nhượng của Israel.

Trong 1 tuần xung đột, Hamas đã thể hiện sức mạnh tấn công đáng gờm đối với quy mô của một tổ chức khủng bố hoạt động trên một lãnh thổ nhỏ bé bị khép kín 3 mặt. Hamas đã phóng tới hơn 3.000 quả rocket, ước tính trung bình gần 450 tên lửa mỗi ngày. Hamas cũng mở rộng tầm bắn tên lửa lên 250km, tức là có thể tấn công hầu hết mọi mục tiêu ở Israel từ các địa điểm biên giới.

Dẫu vậy, nhiều học giả Trung Đông ước tính rằng, cuộc xung đột Israel – Hamas được xem là đỉnh điểm của một quá trình mâu thuẫn dai dẳng, nên cuộc chiến này khó có thể chấm dứt trong ngày một, ngày hai. Hiện cũng chưa có những yếu tố thuận lợi để có thể đưa ra một lệnh ngừng bắn hay đàm phán hòa bình.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ai Cập sẽ là một “nhân tố” quan trọng và tin cậy để có thể đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Israel và các thủ lĩnh Hamas. Trên thực tế, Ai Cập cũng từng đóng vai trò hòa giải giữa hai bên với những kết quả rất tích cực.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO