Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Chao đảo vì giá dầu tăng cao

Biên phòng - Ngư trường hẹp, sản lượng cá ít, trong khi giá dầu tăng cao, giá thủy sản thấp khiến cho ngư dân vùng biển Thuận An thua lỗ nặng. Nhiều ngư dân phải giảm tần suất đi biển, thậm chí để tàu cá nằm bờ cầm cự, mong vượt qua được cơn “bão giá” đang hoành hành.

Ốc gạo được ngư dân đóng vào các bao tải bán cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn cho tôm. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế trò chuyện với chúng tôi ngay tại cảng cá Thuận An trong khung cảnh thưa vắng người mua bán. “Chưa năm nào ngư dân gặp khó khăn như năm nay” - ông Nhất thốt lên.

Khoảng 20% tàu cá khai thác có hiệu quả

Tôi đã từng đến cảng cá Thuận An nhiều lần trước đây vào sáng sớm. Lần nào cũng chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp kẻ bán, người mua, tàu thuyền ra vào tấp nập, các loại cá, tôm được chuyển liên tục từ tàu cá lên xe ô tô phân phối đi các nơi tiêu thụ. Tiếng nói, cười rôm rả một góc trời. Lần này, không khí trầm lắng hơn rất nhiều. Thời điểm chúng tôi có mặt chỉ có vài chiếc tàu nhỏ cập cảng. Trên tàu chở toàn ốc bé xíu bằng đầu ngón tay út. Ngư dân bảo rằng, đó là ốc gạo - loại ốc dùng để làm thức ăn cho tôm hùm. Một chiếc xe ô tô chờ sẵn, người dân đóng gói ốc thành từng bao, đưa lên xe chở tới các nhà máy chế biến thức ăn.

Hiện giờ đang là chính vụ mùa khai thác cá nục của năm (từ tháng 4 đến tháng 8), thế nhưng, sản lượng cá qua cảng Thuận An thấp hơn rất nhiều so với mọi năm. “Mỗi năm, lượng cá nục qua cảng khoảng 4.500 tấn. Năm nay mất mùa, giá xăng dầu tăng cao, ngư dân ngại đi biển nên sản lượng qua cảng chưa được 20% mọi năm” - ông Nhất cho biết.

Đánh giá chung về tình hình khai thác thủy sản của ngư dân, ông Nhất chia sẻ: “Bà con ngư dân tội lắm. Tôi làm trong ngành được 25 năm rồi, nhưng chưa năm nào thấy ngư dân khó khăn như bây giờ. Ngay cả khi dịch Covid-19 căng thẳng như năm 2021, bà con vẫn làm ăn được. Giờ tiền xăng dầu chiếm đến 70% chi phí một chuyến biển. Nhiều chuyến biển thua lỗ khiến ngư dân nản lòng. Nếu biển có cá thì còn 5 ăn 5 thua”.

"Năm 2014 giá xăng dầu tăng cao, nhưng ngư dân cũng không quá khó khăn như bây giờ. Tôi còn nhớ hồi đó, Nhà nước có hỗ trợ cho ngư dân, như gia đình tôi được hỗ trợ 30 triệu đồng. Hiện tại, giá dầu tăng quá cao, ngư dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần để vượt qua khó khăn"- ông Hải bày tỏ mong muốn.

Ông Nhất phân tích: “Hiện giờ, ra biển 1 ngày 1 đêm, tàu vô chỉ bán được 4 triệu đồng tiền hải sản, trong đó, chi phí xăng dầu đã hết 3,5 triệu đồng rồi, còn lại 500 nghìn đồng chia cho bạn, tính ra mỗi người chỉ được khoảng 50 nghìn đồng/ngày công. Nhìn chung, chỉ có khoảng 20% phương tiện khai thác có hiệu quả, 50% chủ tàu thu hồi được vốn, còn lại 30% tàu bị tổn thất”.

Ông Trần Văn Hải, chủ tàu cá TTH99613TS, ở phường Thuận An, thành phố Huế, hiện đang cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển buồn rầu nói với chúng tôi: “Tôi làm nghề biển trên 20 năm rồi, nhưng chưa năm nào buồn như năm nay. Giá xăng dầu tăng cao, trong khi biển lại không có cá. Tàu của tôi có thể thu mua được 30 tấn cá. Trước đây, chỉ ra biển một tuần là gom đủ hàng, nhưng giờ đây mỗi lần ra biển chỉ thu mua được 5-10 tấn hàng. Trong khi đó, tiền xăng dầu cho một chuyến ra biển tăng từ 40 triệu đồng lên tới 60 triệu đồng. Mọi chi phí khác cũng tăng theo giá dầu như đá xay, thực phẩm, thuốc men... khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm rất nhiều. Chuyến gần đây nhất, tàu của tôi chia cho bạn thuyền chỉ được 1 triệu đồng mỗi người”.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, ngư dân Nguyễn Khơ, làm nghề lưới kéo, Chi hội trưởng nghề cá tổ An Hải, phường Thuận An nhiều lần thở dài vì nghề biển quá khó khăn do giá dầu tăng cao. Ông buồn rầu nói: “Tôi làm nghề biển từ sau ngày thống nhất đất nước, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chưa khi nào nghề biển khó khăn như năm nay. Khó nhất bây giờ là giá dầu cao và tình trạng khan hiếm dầu. Ngay sáng nay, lẽ ra chúng tôi phải ra khơi rồi, nhưng 5 tàu cá phải nằm bờ để chờ nhiên liệu vì các cửa hàng xăng dầu quanh cảng đều hết dầu”.

Ông Nguyễn Khơ buồn rầu chia sẻ về những khó khăn mà ngư dân đang gồng gánh do giá dầu tăng cao, sản lượng thủy sản sụt giảm. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Khơ tiếp tục câu chuyện về nghề biển, giọng buồn rầu: “Mỗi chuyến đi biển của tôi khoảng 3-4 ngày. Chi phí cho mỗi chuyến là khoảng 35 triệu đồng. Tính đơn giản, mỗi chuyến đi phải thu được từ 40-45 triệu đồng mới có lãi. Năm nay, sản lượng đánh bắt của tàu tôi ngang với mọi năm, nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều do giá tôm, cá không lên, trong khi giá dầu tăng cao, các chi phí khác cũng tăng”. Theo ông Khơ: “Thời điểm hiện tại, vốn liếng chúng tôi bỏ ra nhiều nhưng thu lại không được bao nhiêu. Tôi chưa biết xoay xở thế nào, bởi vay vốn Nhà nước rất khó”.

Theo nhẩm tính của ông Khơ, hiện nay, ở Thuận An có khoảng 400 tàu làm nghề khai thác thủy sản thì có tới 200 tàu nằm bờ. Có 10 tàu cá làm ăn thất bát liên tục, phải bỏ nghề luôn. Các tàu cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng phá sản vì tiền vốn bỏ ra rất cao, biển ít cá, lợi nhuận thu lại thấp, cụt cả vào vốn.

Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho hay, hiện tại, số lượng tàu cá đi biển chỉ khoảng 50%. Trước đây, bình quân mỗi ngày có 60-70 phương tiện ra khơi khai thác thủy sản, thậm chí có ngày lên tới hơn 100 chiếc. Giờ, số lượng tàu ra khơi mỗi ngày giảm xuống còn khoảng 40 phương tiện. Nguyên nhân tàu đậu bờ nhiều là do giá dầu cao, trong khi ngư trường của ngư dân hẹp, trữ lượng cá biển ít.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngư dân Thuận An đang phải đối mặt với khó khăn “kép”, giá dầu tăng cao, các chi phí khác liên quan đến mỗi chuyến biển cũng tăng, trong khi giá hải sản vẫn “đứng im”. Điều đáng lo ngại nữa là nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, thậm chí một số loài không còn xuất hiện. Trước thực trạng này, ngư dân Thuận An buộc phải giảm tần suất đi biển để cầm cự. Về lâu dài, những ngư dân như ông Hải mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để có thể bám trụ với nghề.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO