Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 08:48 GMT+7

Chàng trai người Rục một mình gánh trọn “ba vai”

Biên phòng - Tròn 24 tuổi, chàng trai người Rục Cao Xuân Long được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, Trưởng bản kiêm Trưởng ban công tác mặt trận bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Suốt 3 năm qua, một mình gánh trọn “ba vai”, Cao Xuân Long luôn nỗ lực, cố gắng làm tốt công việc, từng bước cùng đồng bào thay đổi diện mạo của bản làng.

Trưởng bản Cao Xuân Long. Ảnh: Trúc Hà

Nỗ lực để đổi thay

Cao Xuân Long là “thế hệ thứ 2” của tộc người Rục ở Thượng Hóa sau khi được chính quyền, BĐBP đưa từ hang đá về sinh sống quần tụ theo bản làng trong những ngôi nhà sàn. Từ nhỏ, trường học đã thu hút cậu bé Cao Xuân Long dù hàng ngày phải phải bộ cả quãng đường không hề gần.

“Thời còn đi học, dù cực mấy em cũng cố gắng đến trường. Lúc ấy, chưa nghĩ xa như bây giờ, chỉ nghĩ đến trường học chữ trước hết là vui, sau đó, có thể tự đọc sách, biết thêm nhiều bài hát do thầy cô dạy. Hết lớp 9, phải về trường trung học phổ thông bán trú ở thành phố Đồng Hới cũng là lúc học sinh “rơi rớt” dần. Học sinh của cả bản Mò O Ồ Ồ theo học đếm chưa đủ 1 bàn tay. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả nuôi 8 anh em, em cũng có ý định nghỉ học giúp mẹ. Mỗi lần như thế, em lại nghĩ, nếu bỏ học bây giờ, chỉ đỡ đần được công việc trước mắt, còn về lâu dài, nếu không biết chữ, không có kiến thức thì cũng không thể thay đổi được tương lai. Nghĩ thế nên em lại tiếp tục tới trường”- Trưởng bản Cao Xuân Long trải lòng.

Ngày đó, Cao Xuân Long là một trong số ít người ở bản Mò O Ồ Ồ tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên, phần vì điều kiện khó khăn, phần khác muốn quay về hỗ trợ các em sau khi mình được đến trường nên Long đã gác lại việc học lên cao hơn. Trở về bản, vốn năng nổ, nhiệt tình và rất trách nhiệm với công việc chung của bản nên Long được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn bản Mò O Ồ Ồ. 21 tuổi, chàng trai Cao Xuân Long vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Năm 2019, Long được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản,Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Mò O Ồ Ồ. Với suy nghĩ “Xây dựng niềm tin cho bà con là trách nhiệm của mình” nên Trưởng bản Cao Xuân Long luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, hỏi ý kiến của người cao tuổi trong bản để có thêm thêm kinh nghiệm “nói cho bà con hiểu, làm cho bà con tin”. Mặt khác,Cao Xuân Long cũng đi đầu làm gương, nhất là trong việc tiếp cận cái mới, thay đổi tư duy, nhận thức, từ bỏ những phong tục cổ hủ, lạc hậu vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Rục.

Trưởng bản Cao Xuân Long (thứ 4 từ trái sang) luôn tích cực cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, Công an xã Trọng Hóa vận động bà con tuân thủ các quy định của pháp luật, giữ bình yên cho thôn bản. Ảnh: Trúc Hà

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Khi đơn vị cần truyền tải thông tin, việc làm gì đó đến với bà con bản Mò O Ồ Ồ, chúng tôi đều thông qua Trưởng bản Cao Xuân Long. Sự nhiệt tình, trách nhiệm và luôn là người tiên phong trong thực hiện các chủ trương của Trưởng bản Cao Xuân Long khiến bà con yên tâm, dễ dàng tiếp nhận hơn. Đến nay, đồng bào Rục, Sách ở Mò O Ồ Ồ đã tự tin thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, ý thức của bà con trong việcchấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nướccũng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm”.

Nêu gương đi trước, làm đầu

Năm 2010, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã dồn lực để biến vùng đầm cỏ dại Rục Làn thành cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng 10ha với mong muốn truyền lối canh tác mới cho đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp.

Làm lúa nước là việc bà con người Rục chưa hề nghĩ đến, thế nên mọi người rất tò mò đến xem nhưng rồi lại lo lắng liệu người Rục có làm được không? Bà con quen ăn lúa rẫy, lúa nước này ăn có được không? Biết bao câu hỏi ngờ vực khiến mọi người không tự tin để bắt đầu với cây lúa nước. Thế nhưng, Trưởng bản Cao Xuân Long lại khác. Ngay từ khi biết việc của bộ đội, Long đã xông xáo và sẵn sàng làm mọi việc để nhanh chóng có ruộng, bà con có thể trồng lúa nước.

Có trình độ lại nhanh nhẹn, sẵn sàng tiếp thu cái mới nên Trưởng bản Cao Xuân Long là một trong những người tự mình có thể ủ giống, gieo mạ, làm cỏ, gặt lúa, bảo quản thóc…Sau này, khi ruộng được “khoán” cho từng nhà, vì luôn áp dụng đúng kỹ thuật như BĐBP hướng dẫn nên nhà Trưởng bản Cao Xuân Long luôn thu được nhiều lúa nhất. Thấy Trưởng bản Cao Xuân Long làm có hiệu quả, ngày giáp hạt không còn thiếu gạo nên bà con bắt đầu nghe theo, làm theo lời Trưởng bản Long và BĐBP.

Trưởng bản Cao Xuân Long (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng kiểm tra cây lúa nước ở cánh đồng Rục Làn. Ảnh: Trúc Hà

“Muốn bản làng đi lên thì trẻ em phải đến trường. Đi học bây giờ đỡ vất vả rồi, mọi chế độ hỗ trợ đều rất tốt, không còn khó khăn như ngày trước. Vì vậy, phải đến trường học để thay đổi tương lai của chính mình và tiếp cận những công nghệ mới như ở miền xuôi”- Trưởng bản Cao Xuân Long thường mở đầu câu chuyện như thế khi đến nhà người dân vận động cha mẹ các cháu học sinh đến trường.

Năm nào cũng vậy, trước mùa tựu trường, Trưởng bản Cao Xuân Long đều dành thời gian cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng và các thầy cô giáo đến từng nhà vận động phụ huynh học sinh cho con cái họđi học. Đến nay, 100% học sinh ở bản Mò O Ồ Ồ đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ học sinh bỏ học trong bản còn rất ít. Mừng nhất là kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 vừa rồi, bản Mò O Ồ Ồ có emCao Thị Hằng đã đỗ vào Đại học Sư phạm Huế. Đây là học sinh người Rục đầu tiên chạm ước mơ vào giảng đường đại học sau 60 năm kể từ ngày người Rục rời hang đá.

Những năm qua, một mình gánh trọn “ba vai”, ở vị trí nào anh Cao Xuân Long cũng làm rất tốt bởi vậy mà được bà con ngày càng tín nhiệm. Mò O Ồ Ồ đã có nhiều đổi khác thế nhưng Trưởng bản, Bí thư Chi bộ Cao Xuân Long vẫn có những trăn trở.

Anh chia sẻ: “Người Rục ở Mò O Ồ Ồ vẫn chưa chấm dứt hẳn những hủ tục,vẫn còn có tình trạngđàn ông say sưa rượu chè, bỏ bê ruộng rẫy khiến cái nghèo vẫn đeo bám. Các anh Biên phòng nói nhiều rồi nhưng những tồn tại ấy vẫn chưa khắc phục được hết. Là Trưởng bản, tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong việc thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, có như vậy, cuộc sống của người Rục ở Mò O Ồ Ồ mới khấm khá lên được”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO