Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Chặn thao túng bất động sản

Biên phòng - Bộ Xây dựng đang kiến nghị hàng loạt giải pháp yêu cầu các bộ, ngành: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cùng vào cuộc xử lý để chặn tình trạng đấu giá “ảo”, gây loạn giá thị trường bất động sản.

Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Nhà nước cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: minh họa

Động thái trên xuất phát từ những lùm xùm đấu giá đất Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) và ở một số nơi, đơn vị, cá nhân tham gia đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc, khiến cơ quan quản lý và thị trường bất động sản rối như canh hẹ.

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng đấu giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc hoặc mua đi, bán lại nhằm tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường, thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức.

Hiện tượng trên đang bộc lộ nhiều vấn đề rủi ro tiềm ẩn khi nhiều doanh nghiệp vừa mới thành lập với vốn điều lệ chỉ vài trăm tỷ đồng nhưng cũng tham gia đấu giá đất với giá trị lên đến mấy nghìn tỷ đồng rồi xin bỏ cọc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng phổ biến và mở rộng hơn về quy mô đã hạn chế được tiêu cực, thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Cụ thể, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá đất ở tại một số nơi xuất hiện đội quân “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Lo ngại hơn là tình trạng để lộ lọt thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá và tình trạng “xã hội đen” lũng đoạn trong đấu giá; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, kết quả trúng đấu giá cao bất thường so với giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá nhà đất, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản. Hệ lụy từ mặt bằng giá đất cao sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Những tiêu cực trong đấu giá xuất phát từ “lỗ hổng” trong Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định ràng buộc người tham gia đấu giá phải nộp kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng. Do vậy, cần sớm bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính và năng lực thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá của người đăng ký tham gia đấu giá.

Điều này sẽ tránh trường hợp doanh nghiệp không có năng lực vẫn tham gia đấu giá, bỏ giá ở mức rất cao, làm méo mó thị trường bất động sản.

Để ngăn chặn tình trạng đấu giá “ảo” xảy ra trong tương lai, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính phối hợp với UBND các tỉnh, thành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng siết chặt vay vốn và huy động trái phiếu đối với các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Thiết nghĩ, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Nhà nước sớm sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất; quy định thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ và tránh thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO