Biên phòng - Sau khi Nghị định 70/2021/NĐ-QĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý 15 trường hợp vi phạm với số tiền 210 triệu đồng; chặn tên miền của 2 doanh nghiệp quảng cáo Your Adchoices và Adbro do không hợp tác theo yêu cầu. Song những sai phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn xuất hiện một cách thường xuyên, trên các nền tảng xã hội, thậm chí sai phạm khó lường hơn.
Thực tế, người dùng internet tại Việt Nam luôn bị “tra tấn” hằng ngày, hằng giờ bởi các quảng cáo “bẩn” trên mạng. Mặc dù không có chủ đích tìm hiểu nhưng người dùng các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, Youtube… thường xuyên bị ép xem các đoạn quảng cáo có nội dung tiêu cực như khiêu dâm, dung tục, trái thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật như mời gọi cá độ, lừa đảo việc làm, đầu tư tiền ảo, trục lợi từ thiện, kinh doanh đa cấp…
Đặc biệt, nhiều quảng cáo sản phẩm phóng đại, sai sự thật với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội càng khiến người xem dễ dàng bị dụ dỗ, lừa gạt.
Không thể phủ nhận, quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp lựa chọn do có nhiều lợi thế về khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Mức chi cho quảng cáo trực tuyến tăng dần qua các năm, riêng năm 2022 ước tính khoảng 400 triệu USD.
Nhưng đến nay, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT&TT. Các doanh nghiệp này đều thông báo không có máy chủ đặt tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo lớn như Meta, Amazon, Linkedin, Trade Desk, SilverPus, AdColony, Adskeeper, Taboola... đến nay vẫn chưa thông báo với Bộ TT&TT.
Mặt khác, ngoại trừ một số nhãn hàng lớn khi đặt quảng cáo có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, hầu hết thương hiệu chỉ yêu cầu số lượng view, nên các đại lý thả lỏng, khiến nhiều sản phẩm quảng cáo gắn với các nội dung sai sự thật, giật gân, câu view, xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước…
Rõ ràng, hoạt động kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhiều nền tảng xã hội thiếu công cụ để kiểm soát nội dung quảng cáo và xử lý vi phạm. Cơ chế quản lý các kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ các quy định pháp luật. Điển hình như Youtube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
Trong khi đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Điều này vừa gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng, đồng thời gây hệ lụy xấu đến các thương hiệu, nhãn hàng quảng cáo.
Trước bức xúc của dư luận, lãnh đạo Bộ TT&TT cam kết, sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn, xóa bỏ quảng cáo xấu, độc, vi phạm pháp luật.
Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không tuân thủ Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn; xác minh và xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam.
Thiết nghĩ, Bộ TT&TT cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng, trang thông tin điện tử, website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm để khuyến cáo, yêu cầu doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.
Thanh Thảo