Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Chặn livestream “bẩn”

Biên phòng - Thời gian qua, cộng đồng mạng xã hội “sôi sục” bởi sự xuất hiện nhiều “thánh chửi” thông qua hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) với lượt người xem và nghe lên đến hàng chục nghìn, thậm chí cả triệu.

Gây bức xúc nhất phải kể đến một nữ doanh nhân đã có những buổi livestream thu hút hàng trăm nghìn người xem và tương tác khi bà liên tiếp “vạch trần” hết diễn viên này tới ca sĩ nọ. Sẽ không có chuyện gì nếu một người livestream chia sẻ những câu chuyện trên mạng xã hội, ngoại trừ việc các chuỗi livestream đã đi quá xa, bị lệch lạc vì những ngôn từ phản cảm, chửi bới, thách đố, hăm dọa, thóa mạ... người khác kèm theo “vơ đũa cả nắm”, gây ra nhiều hệ lụy cho trật tự an toàn xã hội.

Trước đó, dư luận nhiều lần ngán ngẩm trước những tên tuổi trong làng giải trí như Nathan Lee, Trang Trần, Duy Mạnh, Đức Hải, Lê Dương Bảo Lâm... cũng từng livestream với những phát ngôn “sốc”, phản cảm, thô tục, gây bức xúc cho người hâm mộ.

Đáng lo là những livestream mang tính chất tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều lại được một số trang tin điện tử, mạng xã hội cổ súy, nhất là khi có sự tham gia của những người nổi tiếng. Điều này khiến các “thánh livestream” thêm ảo tưởng sức mạnh của mình, càng tăng liều lượng lẫn số lượng phát sóng để tạo sự chú ý, thỏa mãn cái tôi và thỏa mãn những khán giả hiếu kỳ, làm vẩn đục không gian mạng.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi thường xuyên nghe và tiếp nhận những thông tin cực đoan, độc hại, tâm lý con người dần dà cũng bị tác động, thậm chí có xu hướng kích động, bạo lực hơn, bị lôi kéo vào các xu hướng thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội.

Mặt khác, chính công chúng, khán giả, người hiếu kỳ... là những người đã nuôi “thánh chửi” trên mạng xã hội. Bởi, một khi được cổ vũ nhiệt tình, người livestream sẽ mất kiểm soát, nghĩ rằng trên mạng xã hội muốn làm gì cũng được.

Rõ ràng, cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận luôn phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Do đó, những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, ngôn từ phản cảm, bất chấp pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây nhiễu loạn thông tin... đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả của mình gây ra.

Dư luận không thể chấp nhận không gian mạng tràn ngập sự ô nhiễm, những nội dung lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, chà đạp các giá trị đạo đức cơ bản.

Thế nên, dư luận đồng thuận cao với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 và 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

Theo đó, các mạng xã hội xuyên biên giới như Youtube, Facebook, TikTok... chỉ được cấp phép livestream hoặc bật kiếm tiền cho các kênh đã đăng ký thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và những quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam; phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Đồng thời, người sử dụng có quyền thông báo vi phạm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý và khởi kiện nếu họ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Thiết nghĩ, những quy định, chế tài mới là giải pháp hữu hiệu để xây dựng một không gian mạng văn minh và lành mạnh, qua đó loại trừ triệt để những video clip, livestream, thông tin, hình ảnh... phản cảm, xấu độc, đồng thời răn đe những đối tượng xem thường pháp luật, rắp tâm làm rối loạn trật tự xã hội.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO