Biên phòng - Cùng với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, hàng nghìn nhà đầu tư trong nước điêu đứng vì bị “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng khi các sàn giao dịch tài chính ảo đồng loạt sập.
Vụ lừa đảo đình đám nhất phải kể đến sàn giao dịch tài chính Busstrade xuất hiện trên mạng vào tháng 3-2020, kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào 4 gói đầu tư, cam kết lợi nhuận lên tới 30%/tháng.
Tuy nhiên, sau nhiều chiêu trò hút vốn nhà đầu tư số tiền hàng trăm tỷ đồng, ngày 7-5, website của sàn giao dịch Busstrade bất ngờ bị “sập”, khiến nhà đầu tư không thể rút tiền về, trong khi các cấp lãnh đạo sàn giao dịch “lặn không sủi tăm”.
Theo chuyên gia an ninh, phương thức lừa đảo của sàn Busstrade tương tự sàn Coolcat tại thành phố Hồ Chí Minh đã bị sập vào tháng 3-2021, là tung ra chiêu dụ nhà đầu tư mua, bán tiền ảo, nếu thắng thì nhận được lợi nhuận khủng, nếu thua được bảo hiểm đền 100%.
Người chơi hầu như không làm gì, chỉ việc sau một ngày vào sàn kiểm tra xem hôm qua chuyên gia của sàn đánh thắng hay thua. Mỗi tuần có 5 phiên giao dịch, nếu chuyên gia thua dẫn đến tài khoản tự động trừ vốn thì bảo hiểm sẽ hoàn đủ số tiền thua.
Nhờ chiêu trò này, nhiều người đã vay tiền người thân, bạn bè, ngân hàng, bán nhà, bán đất để nạp tiền vào các sàn đầu tư tiền ảo với hy vọng sẽ thu lời nhanh chóng. Thế nhưng, sau khi huy động được số tiền đủ lớn, sàn giao dịch đột ngột dừng hoạt động, các nhà môi giới biến mất và người chơi không biết cách nào để lấy lại tiền.
Những vụ việc trên không mới, bởi 1 năm qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về một số sàn đầu tư tài chính tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép, có dấu hiệu lừa đảo như Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io, GardenBO...
Các chuyên gia chỉ ra, dù hình thức khác nhau nhưng thủ đoạn của các đối tượng khá giống nhau là lợi dụng sự cả tin và lòng tham của nhiều người để vẽ ra viễn cảnh làm giàu bằng cách thức kinh doanh mới, lôi kéo người tham gia nộp tiền vào hệ thống trên các sàn điện tử để hưởng lãi suất cao.
Thực chất, các sàn giao dịch ảo không hoạt động kinh doanh, chỉ lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. Để tạo lòng tin, nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất như cam kết nhưng chỉ là tiền ảo, chỉ được quy đổi thành tiền mặt một lượng rất nhỏ. Đến thời điểm thích hợp, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi, đồng thời đánh sập hệ thống và ôm tiền bỏ trốn.
Hiện, cả nước chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp. Nhưng hoạt động đa cấp không phép và huy động vốn trái phép online lại có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại là sau khi hàng loạt sàn giao dịch tài chính bị phanh phui hoạt động lừa đảo, số lượng người tham gia vẫn không ngừng gia tăng. Thậm chí, sau khi bị lừa, nhiều người vẫn tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc.
Hậu quả từ các vụ sập sàn giao dịch ảo là rất lớn nhưng công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và bảo vệ quyền lợi người tham gia rất khó khăn, vì khoản tiền đầu tư chỉ thể hiện trên tài khoản ảo ở các website, trong khi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, chủ dự án không ở Việt Nam.
Chính vì vậy, dư luận băn khoăn, vì sao các cơ quan chức năng không ngăn chặn ngay từ đầu hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, để người dân mất tiền oan uổng, an ninh trật tự bị xâm hại mới ra tay thì đã quá muộn.
Thực tế, các sàn giao dịch ảo khi tiến hành hoạt động đều tổ chức hội thảo, quảng cáo rầm rộ, thành lập hàng chục hội nhóm trên Youtube, Zalo, Facebook... để thu hút người tham gia. Về mặt pháp lý, có đủ cơ sở để xử lý hành chính hoặc hình sự các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo hình thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa.
Nếu chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt sẽ ngăn ngừa được các hành vi lừa đảo ngay từ trong “trứng nước”.
Hoàng Lâm