Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:55 GMT+7

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:

Chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Biên phòng - Ngày 24-11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Đây là một hội nghị rất quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức, hội  nhập quốc tế nhằm khơi dậy khát  vọng phát  triển đất  nước. Phát  biểu chỉ đạo tại Hội nghị, những thông điệp mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy quan điểm rõ ràng: “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là hồn cốt  của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: TTXVN

Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc

Mang ý nghĩa quan trọng như vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được xem là “Hội nghị Diên Hồng” ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững với trí tuệ, bản sắc, bản lĩnh Việt Nam.

Sức mạnh của một quốc gia được xây dựng từ sức mạnh của nhiều yếu tố, trong đó, sức mạnh văn hóa là nền tảng, cốt lõi. Bởi lẽ, sức mạnh văn hóa mới tạo nên giá trị quốc gia bền vững. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, để quốc gia dân tộc trường tồn và phát triển thì văn hóa phải được “bảo tồn và phát huy”, kế thừa truyền thống của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuyên suốt bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Theo đồng chí Tổng Bí thư: Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự, mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất...

Giải pháp để phát huy và phát triển văn hóa dân tộc hiện nay

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Để đạt được mục tiêu phát triển văn hóa trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp...; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Theo đó, đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. “Khắc phục tư tưởng chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa”, quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; Đảng tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: VGP

Nhìn lại các chặng đường đã qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc khẳng định, văn hóa thời kỳ đổi mới cần được nhận thức đầy đủ, nâng cao sức tỏa sáng để tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi”, làm nền tảng tinh thần vững chắc cho đổi mới và phát triển.

Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặng Công Thành

Bình luận

ZALO