Biên phòng - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký quyết định lập tổ công tác liên ngành (hải quan, công an, quản lý thị trường) với nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua 10 cảng hàng không quốc tế.

Động thái trên diễn ra sau khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng khám xét, bắt giữ gần 11,5kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airline (VNA) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 16/3.
Đây là quyết định cần thiết khi thị trường vận tải hàng không đang phát triển mạnh mẽ với hàng trăm chuyến bay quốc tế đi, đến các cảng hàng không lớn trên cả nước mỗi ngày. Tình trạng buôn lậu qua đường hàng không ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua. 3 tháng đầu năm 2023, chỉ riêng trên địa bàn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các lực lượng chức năng đã phát hiện 45 vụ vi phạm về lĩnh vực hải quan, trong đó, bắt giữ 9 vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không với tang vật gần 26,5kg ma túy các loại. Hàng hóa qua đường hàng không thường có giá trị lớn như sản phẩm thời trang, mỹ phẩm cao cấp, đồng hồ, điện thoại các thương hiệu lớn, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, thuốc lá..., trở thành một trong những nguồn cung cấp hàng “xách tay” cho thị trường lâu nay. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu hàng cấm như ma túy, chất cấm, ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm từ động vật quý hiếm, ngoại tệ... thường chọn hình thức vận chuyển bằng đường hàng không.
Đáng lo ngại là các đường dây buôn lậu, trốn thuế bằng hình thức hàng “xách tay” qua đường hàng không đã tồn tại suốt một thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan quản lý hàng không đã có rất nhiều quy định về phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không. Các hãng hàng không cũng ban hành những quy định riêng khá chặt chẽ về kiểm tra, kiểm soát hàng lậu và xử lý nghiêm người vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn có những lỗ hổng trong quản lý, nằm ở khâu thực thi. Vì lợi nhuận cao nên không ít tiếp viên hàng không lợi dụng lợi thế tính chất công việc của mình để đưa hàng “xách tay” về nước bán kiếm lời. Bên cạnh gom hàng về bán, nhiều tiếp viên còn nhận vận chuyển hàng từ nước ngoài về và tính phí.
Theo chuyên gia kinh tế, những vụ việc vận chuyển, buôn lậu liên quan đến tiếp viên hàng không là lời cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp, công tác huấn luyện, đào tạo, cũng như chế độ đãi ngộ đối với nhân lực đặc thù hoạt động trong ngành hàng không. Do vậy, chống buôn lậu qua đường hàng không cần bổ sung quy chế cho minh bạch hơn, giám sát cao hơn và phân đoạn quản lý rõ ràng. Bởi nếu để việc buôn bán hàng “xách tay” diễn ra tràn lan, mất kiểm soát thì không chỉ nhà nước thất thu thuế mà còn gây lũng đoạn thị trường.
Giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không là hàng rào thuế quan. Hàng xách tay là hàng hóa thông thường không thể coi nó là hoàn toàn phi pháp, nhưng cần được quy định rõ ràng về chủng loại, giới hạn, số lượng và mức độ cho phép. Nếu số lượng nhiều hơn thì phải đóng thuế.
Dư luận kỳ vọng các Tổ công tác liên ngành được triển khai tại các cảng hàng không: Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), Đà Nẵng, Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ góp phần ngăn chặn hữu hiệu nạn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không. Đồng thời, lực lượng này sẽ xử lý triệt để những hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho vấn nạn này.
Thanh Thảo