Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 02:45 GMT+7

Chân dung một người lính - nghệ sĩ

Biên phòng - Thượng tá, nhà quay phim, đạo diễn, cố Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Lê Xuân Bửu nhập ngũ vào những ngày đầu tiên lực lượng CANDVT ra đời (năm 1959). Với niềm đam mê và năng khiếu điện ảnh vốn có, ông được biên chế vào Tổ quay phim tư liệu của Cục Chính trị CANDVT (nay là Điện ảnh - Truyền hình BĐBP). Trong suốt quá trình công tác, với nhiều chiến công xuất sắc, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất...

lrig_9a
Đạo diễn Lê Xuân Bửu (bên phải) cùng đồng đội tác nghiệp tại Quảng Trị, năm 1972. Ảnh: Vũ Ngọc Bình

Đạo diễn Lê Xuân Bửu sinh năm 1939 tại Hà Tĩnh, mất tháng 8-1995 tại Hà Nội, khi đang cùng đơn vị chuẩn bị cho Liên hoan phim truyền hình Công an nhân dân lần thứ nhất. Gần 40 năm chiến đấu trên các chiến trường cho đến những ngày cuối đời cũng là từng ấy năm ông xa quê hương, gia đình. Những giờ phút bên bố mẹ, vợ con đối với ông chỉ là những ngày phép tranh thủ ngắn ngủi.

Bước chân của người lính - đạo diễn Lê Xuân Bửu đã vươn dài trên những trận địa khốc liệt, nguy hiểm nhất từ Đông Hà, Thành Cổ, Đường 9, Vĩnh Linh, sân bay Ái Tử, Thạch Hãn, Bến Hải, Hiền Lương, Cửa Tùng, Cửa Việt, đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ ở nước bạn Lào, Campuchia để kịp thời ghi lại những trận đánh anh dũng của quân và dân ta và tố cáo tội ác ghê rợn của kẻ thù.

Nhiều nơi trên đất nước chúng ta, chúng sử dụng chất độc màu da cam, ruộng rẫy, rừng cây  vàng xơ xác. Sau nhiều năm chiến đấu ở các mặt trận đó, Thượng tá Lê Xuân Bửu cũng đã bị nhiễm loại chất độc chết người này, truyền sang cả thế hệ con cái của mình (em Lê Thị Thương, mất năm 2013).

Kể về người thủ trưởng của mình, đạo diễn Vũ Ngọc Bình chia sẻ: Đồng chí Lê Xuân Bửu được cấp trên phân công làm Đoàn trưởng Đoàn Điện ảnh CANDVT từ năm 1988 đến lúc ông mất. Tôi vinh dự được công tác cùng ông trong suốt thời gian ông làm Đoàn trưởng. Ông là con người rất cần kiệm, nghiêm khắc trong công việc nhưng rất tình cảm, gần gũi, quan tâm cấp dưới. Hồi đó, ngoài giờ làm việc, những người lính trẻ thường gọi thủ trưởng của mình là "bố". Qua quá trình công tác, ông đã cùng với đồng đội ghi dấu ấn với hàng loạt tác phẩm ở nhiều thể loại phim khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm mà ông là người trực tiếp viết kịch bản, quay phim, đạo diễn.

Nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: “Quê hương tôi giải phóng” (kịch bản Vũ Ngọc Khôi, đạo diễn Phùng Bá Gia, quay phim Lê Xuân Bửu được tặng Bằng khen tại Liên hoan phim quốc tế Ta-xken (Liên Xô), năm 1974); “Trên đỉnh Pù Nhi” (kịch bản Phan Trọng Bằng, đạo diễn Lê Xuân Bửu, quay phim Đào Liễu, được tặng Bằng khen tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3, năm 1975); “Trăn trở vùng biên cương” (kịch bản và đạo diễn Lê Xuân Bửu, quay phim Trọng Thanh, Phan Anh Việt, được tặng Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình Công an nhân dân lần thứ nhất, năm 1995)... Qua những tác phẩm đó đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta.

Có thể nói, giai đoạn 1988-1995 là giai đoạn hết sức khó khăn của đơn vị, bởi đây là giai đoạn đầu đất nước đang chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường. Đây cũng là bước ngoặt mang tính thách thức đối với cả nền điện ảnh nước nhà, từ đó đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đối với Điện ảnh - Truyền hình BĐBP. Quân số của đoàn bị rút gọn, khung biên chế dao động từ 30 đến 40 người.

Những đồng chí “gạo cội”, có kinh nghiệm như Trần Thanh Nam, Phan Trọng Bằng, Nguyễn Bá Bảy được điều động về Cục Chính trị BĐBP làm việc. Công tác làm phim, chiếu bóng từ chế độ bao cấp chuyển sang hạch toán theo cơ chế thị trường. Số kinh phí làm phim ít ỏi, trang thiết bị thiếu thốn, cũ kĩ lạc hậu, lực lượng sáng tác, biên kịch, đạo diễn, quay phim vừa thiếu, vừa yếu so với yêu cầu nhiệm vụ mà lực lượng giao cho.

Để đơn vị tiếp tục phát triển trong giai đoạn này đòi hỏi cấp ủy và chỉ huy đơn vị mà đứng đầu là đạo diễn Lê Xuân Bửu phải có tư duy đổi mới, biến khó khăn, thách thức thành thời cơ thuận lợi. Câu hỏi lớn được đặt ra là làm sao để tồn tại và tiếp tục phát huy, phát triển truyền thống vẻ vang của đơn vị? Trả lời câu hỏi đó không có cách nào khác phải phát huy nội lực, thâm nhập thực tiễn, hướng về cơ sở, quán triệt, bám sát chỉ đạo, nghị quyết của cấp trên để có những tác phẩm mới hấp dẫn. Lúc này, công tác chiếu bóng giữ lại 3 đội vẫn tiếp tục hoạt động phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP và một số đơn vị khác.

Do ngân sách cắt giảm, chi tiêu mua phim đã rút xuống mức thấp nhất, chủ yếu là trao đổi phim với sự giúp đỡ của cơ quan phát hành phim quân đội và khai thác, sử dụng các phim trong kho lưu trữ của đơn vị. Có lúc đơn vị phải thuê phim của Cơ quan phát hành phim Trung ương để chiếu phục vụ các ngày kỷ niệm lớn, các hội nghị của Bộ Tư lệnh. Bộ phận chiếu bóng cơ quan thường trực ở phía Nam vẫn duy trì một đội và vẫn phải đảm bảo kế hoạch chiếu bóng.

Công tác làm phim thời kỳ này nổi lên là quay tư liệu về đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên toàn tuyến biên giới. Đội ngũ quay phim của đoàn đã có mặt tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Giai đoạn này tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đoàn vẫn tổ chức quay phim nhựa như: “Con tàu chúng tôi”; “Miền đất nơi chân sóng”; “Sóng gió Kiên Giang”; “Sắc đỏ biên cương”; “Miền quê nơi biên giới”; “Ba mươi năm một chặng đường”...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công tác làm phim, truyền hình, năm 1992, cấp trên chỉ đạo chuyển đổi từ quay phim nhựa sang quay video. Trong lúc chưa được trang bị máy móc, để đón đầu, đạo diễn Lê Xuân Bửu đã đề xuất cấp trên cử 4 đồng chí đi học lớp đào tạo quay camera và tự nghiên cứu học tập thêm ở đơn vị. Sau đó, đoàn được cấp trên trang bị 2 máy quay M7, những năm sau đó được trang bị thêm 2 máy M.3000, M.9000, một bộ bàn dựng, một bộ kỹ xảo, một bộ bắn chữ. Nhờ đó, công việc làm phim thời kỳ này tương đối thuận lợi, khép kín. Tuy còn chập chững trong bước chuyển đổi, nhưng đoàn đã làm nhiều phim phóng sự, tài liệu với độ dài từ 10 đến 15 phút để phát sóng định kỳ trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến năm 1994, công tác làm phim của đoàn có bước tiến chuyên môn đáng kể. Từ làm phim nặng tính chất truyền hình chuyển sang làm phim tài liệu “truyền hình có tính chất điện ảnh”, nâng cao chất lượng phim cả về nội dung và nghệ thuật. Những bộ phim do đoàn làm ra trong giai đoạn này ghi dấu ấn mạnh mẽ và có tác dụng tuyên truyền sâu rộng như: “Trăn trở vùng biên cương”; “Đứng gác trên đỉnh cao 3.000m” (kịch bản Thanh Phong, đạo diễn, quay phim Vũ Văn Oa, được tặng Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình Công an nhân dân năm 1995); “Lửa rừng Cha Lo” (kịch bản, đạo diễn, quay phim Vũ Văn Oa, được tặng Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quân lần thứ I, năm 1995); “Chống buôn lậu ở vùng biển Đà Nẵng” (kịch bản, đạo diễn Chu Thế Quỳnh, quay phim Trọng Thanh, được tặng Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quân lần thứ I, năm 1995)...

Xuân Trình

Bình luận

ZALO