Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Chấn chỉnh văn hóa xã hội thông tin bằng văn bản luật

Biên phòng - Có hiệu lực từ ngày 15-4, Nghị định 15/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử là chế tài xử phạt nhằm xây dựng lối sống văn minh trong đời sống số. Nghị định bao gồm 124 điều, trong đó có Điều 117 quy định thẩm quyền xử phạt của BĐBP đối với các sai phạm. Đây là tập hợp các quy định cấp bách và kịp thời trong bối cảnh đời sống văn hóa các vùng biên giới, hải đảo cũng đang cuốn theo mạng internet.

Nhập chú thích

Nghị định 15/2020 có tới 124 điều được phân chia cụ thể các hành vi và chế tài xử lý, trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới các điều đề cập tới các vi phạm của tổ chức và cá nhân khi sử dụng mạng xã hội. Trong bối cảnh công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ngày càng chiếm lĩnh và chi phối đời sống, tác động ảnh hưởng của nó đến quản lý thượng tầng xã hội ngày một lớn. Mỗi cá nhân, tổ chức chỉ cần có tài khoản trên bất cứ mạng xã hội nào đang được số đông người sử dụng là đã mặc nhiên tham gia vào mạng lưới giao tiếp điện tử trên internet.

Đông đảo, hỗn loạn, thiếu kiểm soát và thiếu khả tín là đặc điểm của thời cuộc mạng xã hội bùng nổ gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Chính vì vậy, Nghị định 15/2020 được xem như tập hợp đồ sộ các quy tắc tái thiết lại trật tự an toàn trong xã hội thông tin, bảo vệ người dùng. Trên cơ sở đó, văn hóa ứng xử trên giao lộ internet dần được hình thành.

Một hành vi bản năng phóng chiếu những ẩn ức, mâu thuẫn cá nhân trong đời sống lên mạng xã hội nhằm vào các cá nhân và tổ chức khác là vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền riêng tư. Rất nhiều người không có kiến thức đầy đủ về kênh thông tin điện tử và mạng xã hội, về tốc độ lan truyền cấp số nhân của nó và tác động, mức độ ảnh hưởng lên đời sống. Chuỗi liên kết toàn cầu được thiết lập trên cơ sở mạng lưới thông tin, tuy nhiên, ngay từ khi sơ khai, rất nhiều người đã cho rằng, mạng internet là “thế giới ảo”, “đám mây ảo”, mà không nghĩ rằng, giao dịch trên thế giới ảo có thể triệt tiêu phát triển xã hội, dẫn tới vùi dập nhiều cuộc đời vào bế tắc và có những người vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật, nhẹ nhất là vi phạm dân sự, bị cơ quan chức năng phạt tiền, cảnh cáo, nhắc nhở.

Áp dụng chế tài xử phạt của Nghị định 15/2020, các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật đều bị xử phạt. Hiện nay, tốc độ phát triển mạng lưới người dùng mạng xã hội ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo gia tăng đáng kể. Bước vào chiến dịch phòng chống dịch Covid-19, mạng xã hội cũng được xem là kênh truyền thông quan trọng, nhanh nhất và cụ thể nhất, khách quan minh bạch tới toàn dân. Ở đó, người dân được thông tin, được tự mình bày tỏ chính kiến và cũng gần như ngay lập tức, những thông tin giả (fake new) truyền đi nỗi lo sợ, hoang mang trong cộng đồng dẫn tới mất an ninh trật tự bị xử phạt nghiêm minh.

Được ban hành trong thời điểm phòng, chống đại dịch Covid-19 gắt gao nhất vừa qua, việc khách quan, minh bạch về thông tin dịch bệnh và chủ trương chống dịch của Đảng và Nhà nước ta đã giúp việc khống chế dịch bệnh có hiệu quả và đời sống nhân dân trong kỳ giãn cách xã hội bớt áp lực. Về lâu dài, việc tham gia vào các giao dịch điện tử có thật sự trở thành những hành vi văn minh trong xã hội thông tin có tính an toàn cao hay không, lại phụ thuộc phần lớn vào người dùng.

Đáng mừng nhất là nền tảng internet lại là môi trường phát triển văn hóa – nghệ thuật và truyền cảm hứng nhanh, kịp thời và sáng tạo nhất. Phương thức dùng những hiệu ứng tích cực để đẩy lùi những hành vi tiêu cực đang là lựa chọn. Việc mấu chốt xây dựng lên hành vi có văn hóa phải được phát sinh từ các cộng đồng, các cá nhân có kiến thức và có hiểu biết. “Trong thế gian này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt” – Nhà hoạt động xã hội người Mỹ Martin Luther King từng đạt giải Nobel Hòa bình đã nói.

Việc ban hành các văn bản luật sẽ khiến các cá nhân có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình trong xã hội thông tin, trên cơ sở đó, xây dựng hoàn thiện nhân cách và lối sống cá nhân. Đồng thời, thay cho việc phát tán và gieo rắc những thông tin tổn hại, những người có trách nhiệm với cộng đồng cũng có cơ hội nâng cao tính khả tín, minh bạch và khách quan trong thông tin, trong đó bao gồm lĩnh vực báo chí truyền thông.

Điều 117, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định Thẩm quyền xử phạt của BĐBP như sau:

1. Chiến sĩ BĐBP đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1, điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử.

3. Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 16.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b, khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, đ và k, khoản 1, Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Chỉ huy trưởng BĐBP cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a, c, đ, i và k, khoản 1, Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO