Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 02:26 GMT+7

Chăm sóc toàn diện trẻ em nơi biên giới bằng trái tim nồng ấm

Biên phòng - Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhiều năm qua, BĐBP đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em khu vực biên giới. Sự chăm sóc toàn diện của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã giúp nhiều em nhỏ phát triển cả về thể chất và trí tuệ, có nền tảng vững chắc để xây dựng tương lai, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các con nuôi của đơn vị. Ảnh: Tịnh Huy

Cuộc đời tươi sáng hơn nhờ bộ đội

Ông Hồ Văn Xúc, dân tộc Pa Cô, ở thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị luôn coi những người lính Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị là ân nhân của gia đình mình. Ông bảo, chính BĐBP là người mở ra tương lai cho các con của mình. Gia đình ông Xúc vốn sống biệt lập trong rừng sâu, cách điểm trường học gần nhất khoảng 6km. Do đường xa, kinh tế gia đình khó khăn, cả 9 người con của ông đều không có điều kiện đến trường. Thấu hiểu với điều kiện khó khăn của gia đình ông Xúc, những người lính Biên phòng ở A Vao nên đã thuyết phục ông cho phép đón 9 đứa trẻ về đơn vị để chăm sóc, nuôi dưỡng. Tâm ý tốt đẹp của những người lính Đồn Biên phòng AVao đã được ông đón nhận, để rồi từ tháng 10-2018, người đàn ông chân chất này yên tâm giao các con của mình cho bộ đội.

Để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, học tập của các cô cậu con nuôi, Đồn Biên phòng A Vao sắm sửa đầy đủ bàn ghế, giường, chiếu, chăn màn và các dụng cụ học tập, sinh hoạt hàng ngày cho các cháu. Đơn vị còn cắt cử, phân công cán bộ là người đồng bào dân tộc trực tiếp quản lý, chăm lo các các con nuôi của mình từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Sau hơn 3 năm sống trong tình yêu thương của bộ đội, các con của ông Xúc đã hoàn toàn “lột xác”. Từ chỗ không biết chữ, luôn đi chân trần, ngủ dưới đất, người gầy yếu, đến nay, các cháu đều lớn phổng phao, khỏe mạnh, biết đọc, biết viết. Các cháu còn được những người cha nuôi hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp; thực hiện nền nếp sinh hoạt lành mạnh như một người lính thực thụ, tạo dựng được thói quen ngăn nắp, sạch sẽ, cẩn thận, kiên trì. Đây chắc chắn sẽ là hành trang bổ ích, song hành cùng các cháu trong cuộc sống sau này.

Đến nay, 3 cháu lớn đã trưởng thành, trở về với gia đình, còn lại 6 cháu nhỏ vẫn được những người lính Đồn Biên phòng A Vao nuôi dưỡng. Thiếu tá Nguyễn Huy Tịnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao cho biết: “Hiện tại, mỗi cán bộ trong đơn vị đóng góp 300.000 đồng/tháng để làm kinh phí nuôi dưỡng 6 cháu. Điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất là nhìn các cháu lớn lên từng ngày, có cơ hội được học tập, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, có ích sau này. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của các ban, ngành, các nhà hảo tâm để các cháu có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em

Không riêng gì Đồn Biên phòng A Vao, từ nhiều năm nay, các đơn vị BĐBP trên toàn tuyến biên giới đã triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực chăm lo toàn diện cho trẻ em biên giới. Trong đó, có thể kể đến Chương trình “Nâng bước em tới trường” triển khai từ năm 2016. Các đồn Biên phòng đã trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu gần 3.000 lượt cháu học sinh, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng (đến khi học hết lớp 12).

Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong lực lượng trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ với đồng bào nơi biên giới tự nguyện ủng hộ kinh phí thực hiện chương trình. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đã ủng hộ nguồn kinh phí gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thắng, BĐBP Bình Thuận trao học bổng cho các em học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", tháng 4-2022. Ảnh: Trung Thành

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng cử cán bộ thường xuyên gặp gỡ các cháu, giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện và hoạt động thể chất. Đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học để trao đổi thông tin, nắm tình hình học tập, rèn luyện, kịp thời động viên, khuyến khích những việc làm tích cực; uốn nắn những việc làm chưa đúng, giúp các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi.

Từ thực tiễn còn nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện theo học, có nguy cơ bỏ học, thất học..., năm 2019, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là bước phát triển mới, sinh động và có ý nghĩa hết sức nhân văn của Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Đến nay, các đơn vị BĐBP đã nhận nuôi 359 cháu thiếu nhi là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; mồ côi, không nơi nương tựa... Dưới bàn tay chăm sóc của những người lính quân hàm xanh, con nuôi của các đồn Biên phòng đều tiến bộ rõ rệt về học tập, nhiều cháu còi xương, suy dinh dưỡng hiện đã phát triển tốt, thể lực được nâng lên.

Với tình thương và trách nhiệm, người lính Biên phòng trên khắp nẻo biên cương còn tổ chức nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, tạo nguồn lực giúp đỡ trẻ em khu vực biên giới cả vật chất và tinh thần. Có thể kể đến mô hình “Bữa sáng cho em” của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La. Mỗi sáng, bộ đội nấu phần cơm sáng và phối hợp với giáo viên mang đến các điểm trường cho các cháu ăn sáng, đảm bảo sức khỏe để học tập. Đó là mô hình “Bánh mì bộ đội” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị.

Trong khi đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai giúp đỡ trẻ em nghèo bằng “Bếp ăn tình thương”. Theo đó, trong nhiều năm nay, đơn vị tổ chức bữa cơm trưa hằng ngày cho khoảng 20 cháu có hoàn cảnh khó khăn, xa trường, không có điều kiện đi về buổi trưa. Còn Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên thì thực hiện mô hình “Sân trường cho em”. Đơn vị đã phối hợp với các nhà trường tạo cảnh quan sân trường xanh, sạch, đẹp cho các cháu vui chơi, học tập thay cho nền sân mấp mô đá sỏi, mùa nắng bụi bặm, mùa mưa trơn trượt bùn đất trước đây.

Những việc làm thầm lặng mang ý nghĩa hết sức nhân văn của BĐBP đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức, các nhân cùng chung tay chăm lo phát triển toàn diện trẻ em khu vực biên giới, mang lại cơ hội phát triển tốt hơn cho những chủ nhân tương lai của trấn ải biên thùy.

Dạ Ngân - Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO