Biên phòng - Len lỏi giữa cánh rừng khộp trụi lá, dòng sông Ia Lốp chảy bên “nách” đỉnh núi Chư Pông mùa này được ví như “chiếc máy điều hòa” khổng lồ, làm vơi đi chút ít cái nóng kinh người nơi vùng biên giới huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Thời tiết khắc nghiệt, đất rừng cằn cỗi, già nua, khiến tôi có cảm giác sức người thật khó để có thể trụ vững dù chỉ qua một mùa khô. Vậy mà, giữa gam màu vàng hoe ấy, có một “chấm nhỏ màu xanh” tươi trẻ tràn đầy sức sống, tựa như con sông Ia Lốp bao đời tắm mát vùng biên…
.gif)
Hơn một tuần trôi qua, tôi đã có hai sự trải nghiệm với lính trẻ ở đồn BP Ia Lốp. Lần đầu là chuyến thâm nhập hiện trường gỗ lậu để tận mắt chứng kiến những cuộc tận diệt rừng biên giới do đám lâm tặc gây nên. Tiếp đến là sự trải nghiệm đầy ắp tình người, tình quê hương đất nước, tình bạn bè láng giềng hữu nghị trong buổi giao lưu nhân Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-2012). Hai cuộc gặp gỡ là hai hình ảnh tương đối “trái chiều” về người chiến sỹ biên phòng, khiến tôi phải ngỡ ngàng rồi thán phục trước sự dẻo dai của người lính quanh năm bám trụ nơi vùng biên khô khát.
Lần gặp trước, trong bộ quân phục dã ngoại, thoạt trông Thiếu tá Vũ Đình Điển - Đồn trưởng đồn BP Ia Lốp có nét gì đó thật…”ngầu”. Đang trong lúc cao điểm tập trung “đánh” gỗ lậu, cán bộ cũng như chiến sỹ ai cũng hừng hực quyết tâm, bởi trước mắt họ là cuộc chiến bảo vệ rừng đầy cam go thử thách. Anh Điển tâm sự với tôi: “Địa bàn biên giới đồn quản lý hiện đang diễn ra các hoạt động khai hoang chuyển đổi đất rừng trồng cây cao su và triển khai dự án thủy lợi Ia Mơr, nên bọn lâm tặc dựa vào đó để phá rừng nhằm hợp thức hóa gỗ lậu. Hơn một tháng kể từ Tết Nguyên đán đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, lực lượng của đồn được rải đều trên khắp các ngả đường biên giới, tăng cường tuần tra truy quét, kiểm soát, kiên quyết không để tình trạng gỗ lậu trà trộn vào vùng dự án. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm m3 gỗ lậu các loại, tịch thu nhiều phương tiện tang vật của bọn lâm tặc dùng để phá rừng…”.
Với hiện trạng rừng biên giới do đồn BP Ia Lốp quản lý được “qui hoạch” theo dạng hình… da báo, hai đầu có tổng diện tích gần 6 ngàn ha đã được giao cho các doanh nghiệp khai hoang trắng trồng cây cao su, phân nửa còn lại ở khúc giữa là những cánh rừng khộp trơ trụi lá, rất dễ bị bọn lâm tặc ra tay tàn sát, xem ra cuộc chiến bảo vệ rừng ở đây vẫn còn diễn ra hết sức cam go. BĐBP dẫu chỉ đóng vai trò là lực lượng tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống các hoạt động vi phạm lâm luật, song trên thực tế, hiệu quả đánh bắt gỗ lậu cao hơn rất nhiều so với các lực lượng chuyên trách khác, bởi quan điểm chỉ đạo kiên quyết từ cấp trên và hơn hết đó là tình yêu, trách nhiệm của người lính quanh năm suốt tháng sống trong hơi thở của rừng.
Cuộc chiến bảo vệ rừng cam go phức tạp, nhưng vẫn còn một “bài toán” khác cũng không kém phần hóc búa dành cho các bộ, chiến sỹ đồn BP Ia Lốp. Đó là làm thế nào để sống được, sống tốt nơi vùng biên khô khát. Nỗi trăn trở này luôn canh cánh trong lòng người chiến sỹ, thậm chí đã không ít lần đi vào giấc ngủ của cán bộ chỉ huy để rồi cuối cùng, họ đã tìm ra cái “công thức” dễ mà rất khó khi bắt tay vào thực hiện, đó chính là lòng quyết tâm và tinh thần vượt khó của mỗi người lính. Để bảo đảm hậu cần tại chỗ, mô hình vườn - ao - chuồng được khuyến khích nhân rộng tới các tổ, đội công tác nhỏ lẻ. Vườn tăng gia của đơn vị không chỉ tập trung ở một khu vực có lợi thế về nguồn nước và điều kiện thổ nhưỡng mà rải rác khắp nơi ở đội công tác địa bàn, trên các trạm chốt. Ở đâu có nguồn nước là ở đó tận dụng làm khu vực tăng gia. Thiên không thuận, địa không lợi thì nhân phải hòa, cán bộ, chiến sỹ đồng sức đồng lòng vượt khó thì sỏi đá sẽ thành cơm. Vượt qua thời kỳ đầy khó khăn thách thức, đến nay, sau 7 năm bám trụ nơi vùng biên khô khát, đồn BP Ia Lốp đã trở thành một trong những đơn vị điển hình trong công tác xây dựng cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp. Vườn cây, ao cá, đàn gia súc, gia cầm phát triển đa dạng, 100% rau xanh, củ quả phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày của bộ đội đều được lấy từ nguồn tại chỗ nên dù mùa nắng hay mùa mưa, lính biên phòng vẫn thấy ấm trong lòng. Năm 2011, bên cạnh bảo đảm trên 5 tấn thực phẩm “của nhà làm ra” đưa vào bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đồn BP Ia Lốp còn trồng mới được 6ha cao su, từng bước hiện thực hóa chỉ tiêu phát triển trên 20ha cao su quanh đơn vị do Bộ chỉ huy BĐBP Gia Lai đề ra.
Trên vùng biên khô khát, ngày qua ngày người chiến sỹ biên phòng Ia Lốp vẫn kiên trì vượt khó với nụ cười luôn tươi trẻ trên môi.
Ngày Biên phòng nơi chốn... không dân
Nóng ngoài trời, ấm áp trong lòng đó là cảm giác không chỉ riêng tôi khi được giao lưu với cán bộ, chiến sỹ đồn BP Ia Lốp nhân Ngày Biên phòng toàn dân và kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống BĐBP (3-3-2012). Được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 ngôi làng của 2 xã là làng Suối Khôn, thuộc xã Ia Piơ và làng Ring (Ia Mơr), song trên thực tế vẫn có thể gọi đây là đồn BP không dân, bởi quãng đường từ biên giới vào đến khu dân cư cũng ngót nghét 30km. Xa xôi cách trở là thế, nhưng tình cảm mà người hậu phương dành cho tuyến trước cũng như tấm lòng người chiến sỹ biên phòng dành cho quê hương đất nước vẫn luôn dào dạt như con sông Ia Lốp mùa nước về.
|
Bằng công sức và lòng quyết tâm của mình, cán bộ, chiến sỹ đồn BP Ia Lốp đã tạo nên màu xanh nơi vùng biên khô khát. |
Buổi giao lưu chào mừng Ngày Biên phòng toàn dân ở đồn BP Ia Lốp được ví như “bốn phương hội tụ” khi có sự góp mặt của những bạn đồng nghiệp đến từ bên kia biên giới, những bóng hồng từ Thành phố mang tên Bác ra, lãnh đạo chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện xuống. Biên cương Tổ quốc mênh mông là thế, bỗng được thu nhỏ trong trái tim những người con đất Việt để ai cũng được nâng niu, được gìn giữ như một bảo vật. Chốn không dân bỗng trở nên đông người, khi ngọn lửa trước sân đồn được thắp lên, những ca khúc ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca người chiến sỹ biên phòng âm vang cả góc trời biên giới.
Trung úy Plao - Chốt trưởng tiền phương Huyện đội Oza Đao (Ra-đa-na-ki-ri - Cam-pu-chia) xúc động cho biết, năm nào nhân Ngày truyền thống BĐBP Việt Nam, anh cũng sang chúc mừng. Năm nay, nhiều người trong đơn vị còn đưa cả vợ con sang chung vui với các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Phải nói rằng sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được nhân dân Việt Nam quan tâm nên buổi giao lưu đã thực sự trở thành ngày hội lớn. Trung úy Plao tâm sự: “Dẫu là hai quốc gia, hai dân tộc nhưng có thể nói Lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam và Cam-pu-chia như người trong cùng một nhà, vui buồn cùng sẻ chia, khó khăn cùng gánh vác.
Riêng năm 2011, bên cạnh việc phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, trao đổi thông tin liên quan, đồn BP Ia Lốp đã hỗ trợ Lực lượng bảo vệ biên giới Cam-pu-chia về lương thực thực phẩm, thuốc y tế, thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà nhân ngày lễ, Tết truyền thống dân tộc Khmer. Thông qua các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi động viên lẫn nhau đã góp phần tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân giới cắm mốc trong thời gian sắp tới…”.