Biên phòng - Truyền thống cách mạng của gia đình đã góp phần không nhỏ trong việc tôi luyện những người lính BĐBP Quảng Nam, Đà Nẵng trưởng thành như ngày hôm nay. Điều đó khiến các anh không khi nào quên đạo lý uống nước nhớ nguồn. Các anh bảo, chăm lo cho những người đang còn sống cũng là tưởng nhớ đến cha, mẹ, anh, chị, những người thân đã hi sinh.
|
Đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy BĐBP Đà Nẵng phát biểu trong lễ nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lê. |
Biết Đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy BĐBP Đà Nẵng đã lâu, nhưng tận giờ tôi mới biết ông là con duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Hữu Biên, Đại đội trưởng Đại đội Công binh thuộc Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng, hi sinh ngày 30-9-1969, khi tổ chức đánh sập cầu Bà Ré để ngăn bước chân của quân thù.
Tháng 7, tháng của lòng tri ân với những người con của quê hương đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Có lẽ vì thế mà Chính ủy Nguyễn Văn Đức sẵn sàng trải lòng mình qua những câu chuyện của gia đình. Năm 1960, ông Nguyễn Hữu Biên nhận được giấy gọi quân dịch của ngụy quyền, ông đã tìm cách vượt núi lên chiến khu. Nhà nghèo, chẳng có gì đem theo, ông trút bao tải lúa ra góc nhà và bảo vợ: "Tui lấy bao dứa ni để lỡ đêm đi rừng mà chưa gặp bộ đội thì có cái mà đắp. Mấy bữa nữa có người tui sẽ gửi về. Mình ở nhà nuôi con, giải phóng tui sẽ về".
Sáng hôm sau, không thấy ông Nguyễn Hữu Biên có mặt, chính quyền ngụy liền bắt giam tất cả gia đình. Lúc ấy, cậu bé Nguyễn Văn Đức mới 4 tháng tuổi đã phải chịu cảnh lao tù. Những tưởng hòa bình sẽ được gặp cha, nhưng gia đình lại nhận được tin ông Biên đã hi sinh khi đánh sập cầu Bà Ré.
Vào một buổi chiều tháng 5-1978, khi lớp trưởng, Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Đức đang ấp ủ thi đại học, thầy giáo Lê Văn Lai, Bí thư chi bộ, Hiệu phó trường cấp 3 Núi Thành nói rằng: Thầy biết em là con trai duy nhất của gia đình liệt sĩ, nhưng nếu em nhập ngũ sẽ khích lệ được các bạn khác. Chúng ta cần bảo vệ biên giới Tây Nam". Chẳng ngần ngại, chàng lớp trưởng gật đầu, đi khám sức khỏe, một tuần sau có giấy gọi lên đường nhập ngũ và bắt đầu những năm tháng quân trường.
Đại tá Nguyễn Văn Đức bảo rằng, ông "có duyên" với việc chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1991, Thiếu tá Nguyễn Văn Đức là Chính trị viên Đồn BPCK cảng Kỳ Hà. Vào dịp 27-7, ông bàn với Đồn trưởng Lê Hữu Xuân trích quỹ tăng gia của đơn vị thăm 10 gia đình chính sách trên địa bàn, trong đó có mẹ Trần Thị Khuyết, có con gái duy nhất hi sinh. Chính trị viên Đức đã chỉ đạo đội công tác phải thường xuyên ghé thăm nhà mẹ Khuyết, thấy khó khăn gì phải giúp đỡ, lúc mẹ ốm đau, quân y đơn vị phải đến thăm khám, điều trị... Sau này, mẹ Trần Thị Khuyết được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và Đồn BPCK cảng Kỳ Hà đã nhận phụng dưỡng mẹ từ đó cho đến lúc mẹ qua đời.
Năm 2012, Đại tá Nguyễn Văn Đức về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng. Ông dành nhiều thời gian để nắm bắt địa bàn và công việc, đặc biệt thường xuyên quan tâm công tác chính sách. Năm 2014, ông chỉ đạo 6 đơn vị nhận phụng dưỡng 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố, riêng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố nhận phụng dưỡng 3 mẹ.
Chính ủy Đức vẫn nói rằng, việc này hơn ngàn lời nói để giáo dục cán bộ, chiến sĩ về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hôm nhận phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Lê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), đích thân Đại tá Nguyễn Văn Đức đến dự và tặng quà. Mẹ Lê đã 94 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn. Trong chiến tranh, mẹ đã mất chồng và con trai cả. Nỗi đau ấy mẹ vẫn nén lại trong lòng để tiếp tục nuôi con, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bởi vậy, ngày hôm nay, mẹ được bù đắp bằng tình cảm của những người con là lính Biên phòng. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao những năm tháng cuối đời của mẹ.
Thượng tá Nguyễn Viết Thắng, Đồn trưởng Đồn BP Bình Minh vẫn thường hay hóm hỉnh rằng, anh có một "tuổi thơ dữ dội". Anh cũng chẳng nhớ được trước giải phóng, mình đã bao nhiêu lần "vào tù" cùng với ông bà nội và mẹ, chỉ vì: "Nhà có người thoát li theo cách mạng".
Cứ thế, một năm đôi lần, gia đình anh lại bị chính quyền ngụy lúc bấy giờ bắt giam, nhưng vì không có chứng cứ nên chúng buộc phải thả. Chiến tranh đã lấy đi 5 người con của ông bà nội, chú ruột và cha anh may mắn được trở về mang theo thương tật. Anh trai và em trai của Thượng tá Nguyễn Viết Thắng cũng bị chết vì đợt rải thảm B52 của giặc Mỹ.
Năm 2009, Thượng tá Nguyễn Viết Thắng giữ cương vị Đồn trưởng Đồn BP A Xan. Lật giở những trang truyền thống, anh biết rằng, đơn vị có 2 liệt sĩ là Nguyễn Công Tới và Trần Văn Dũng, ở xã Bình Đào (huyện Thăng Bình). Nhưng vì đường sá xa xôi nên hằng năm đơn vị chỉ cử người đến thăm động viên, thắp hương cho người đã khuất.
Năm 2012, nhận công tác ở Đồn BP Bình Minh, Đồn trưởng Thắng đã cử cán bộ, chiến sĩ đến nắm bắt hoàn cảnh gia đình của liệt sĩ Nguyễn Công Tới và Trần Văn Dũng. Ngay mùa gặt năm ấy, ruộng lúa nhà liệt sĩ Nguyễn Công Tới có thêm bóng những người lính quân hàm xanh. Ngày 4-7 vừa qua, bà Đặng Thị Sách, mẹ liệt sĩ Nguyễn Công Tới mất. Được tin, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bình Minh đã có mặt ngay từ đầu để cùng gia đình lo hậu sự.
Thượng tá Nguyễn Viết Thắng chia sẻ: "Mặc dù liệt sĩ Nguyễn Công Tới hi sinh khi đang làm nhiệm vụ ở Đồn BP A Xan và xã Bình Đào không phải là địa bàn phụ trách của Đồn BP Bình Minh, nhưng vì ở gần đơn vị nên chúng tôi luôn nghĩ đây là trách nhiệm của mình. Hơn nữa, bản thân tôi, Chính trị viên Dương Phúc Long, Chính trị viên phó A Lăng Sơn, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Nguyễn Văn Linh cũng đã từng có thời gian công tác rất lâu ở Đồn BP A Xan. Vậy nên, việc quan tâm thường xuyên và chung tay với gia đình liệt sĩ trên địa bàn là điều nên làm".