Biên phòng - Một năm học mới đã bắt đầu. Ở khu vực biên giới, những người lính quân hàm xanh tiếp tục sát cánh cùng các cấp, các ngành và gia đình chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các em cắp sách đến trường, biến những ước mơ của các em thành hiện thực. Những món quà tuy không lớn, nhưng chứa đựng tình cảm của người lính Biên phòng giúp cho học sinh nơi biên giới có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk còn tích cực cùng các cấp, các ngành tham gia vào công tác giáo dục ở khu vực biên giới. Việc làm của những người lính mang quân hàm xanh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới nuôi dưỡng ước mơ cắp sách tới trường.
Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, là nơi chung sống của 25 dân tộc anh em với 21.943 nhân khẩu. Kinh tế-xã hội ở địa phương và điều kiện sinh hoạt của nhân dân còn nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực biên giới tỉnh chiếm 64,33%.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và địa phương có nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư cho khu vực biên giới. Trong đó có chính sách đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn nhiều thiếu thốn, nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể đến lớp đến trường.
Từ thực tế, những người lính quân hàm xanh đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có chủ trương, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện cho con em tới trường. Đồng thời, BĐBP Đắk Lắk xây dựng kế hoạch, phát động các tổ chức Đoàn trong đơn vị nhận đỡ đầu 16 em học sinh, với mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/em/tháng; trao tặng 24 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó có hoàn cảnh khó khăn. Trong 16 em được BĐBP nhận đỡ đầu, đa số là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ.
Em H’Phích Hwing (ở Buôn Ea Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) mồ côi cha và mẹ từ khi còn nhỏ. Em sống với người bác, nhưng hoàn cảnh gia đình bác cũng khó khăn. Cuộc sống của em đã bớt vất vả, thiếu thốn khi được các chú BĐBP nhận đỡ đầu. Em H’Phiếp ở Buôn Drang Phốk được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sê Rê Pốk nhận đỡ đầu. Gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ em mất sớm, bố bỏ đi, em sống với ông bà ngoại đã trên 70 tuổi. Tuy mới 9 tuổi nhưng ngoài giờ học, em phải phụ giúp ông bà lên nương rẫy.
Em H’Huyền Lào (thôn Thống Nhất, xã Krông Na) bố bỏ đi, hai chị em sống cùng với mẹ. Cuộc sống khó khăn, để có tiền ăn hằng ngày và có tiền cho hai chị em Huyền đi học, mẹ em phải đi làm thuê. Mẹ em cũng đau ốm luôn nên ngày làm ngày nghỉ. Thấy được sự khó khăn của gia đình em, lãnh đạo BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu cho em mỗi tháng 500 nghìn đồng, giúp đỡ vật chất phục vụ học tập như sách, vở, cặp sách, xe đạp. Kết thúc năm học vừa qua, em là học sinh khá của trường.
Năm học 2016-2017, BĐBP Đắk Lắk đã nhận đỡ đầu 40 em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới của tỉnh. Trong đó, mỗi đồng chí trong Bộ Chỉ huy nhận đỡ đầu 2 em, với mức hỗ trợ mỗi em 500 nghìn đồng/tháng.
Tiền hỗ trợ cho các em được trích từ tiền lương, phụ cấp hàng tháng của cán bộ, chiến sĩ, với mong muốn góp phần giúp đỡ cho các em bớt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập. Tính đến nay, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã quyên góp hơn 370 triệu đồng và tặng 80 chiếc xe đạp cho các em.
Từ những kết quả đạt được của Chương trình “Nâng bước em tới trường” tại địa phương, ông Dương Văn Luật, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tâm đắc: Chương trình “Nâng bước em tới trường” là một hoạt động nhân văn và nghĩa cử cao đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho các em có hoàn cảnh khó khăn tới trường, đồng thời thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là xây dựng xã hội học tập.
Không chỉ nhận đỡ đầu các em có hoàn cảnh khó khăn, BĐBP Đắk Lắk còn phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể tuyên truyền vận động học sinh bỏ học quay lại trường học, tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ nhân rộng chương trình, tiếp tục rà soát và nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới; đồng thời, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng với BĐBP đồng hành với các học trò nghèo nơi biên giới, để các em vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập trở thành những công dân có ích cho đất nước.
Nguyễn Ngọc Lân