Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Chăm lo cho đồng bào Khmer ở khu vực biên giới An Giang

Biên phòng - Những năm qua, BĐBP An Giang đã có những việc làm thiết thực cùng địa phương, các ngành chức năng chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer khu vực biên giới, đặc biệt là tham gia thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

5b19ec5f22f7c713e1000f20
Quân y BĐBP An Giang khám bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực biên giới. Ảnh: Chiến Khu

An Giang là tỉnh có địa hình vừa đồng bằng, vừa có núi đồi và hệ thống kênh rạch chằng chịt, có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia); địa bàn khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành phố biên giới. Tuyến biên giới tỉnh An Giang có dân số 209.387 người, với 4 dân tộc anh em sinh sống đan xen, gồm: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, trong đó, dân tộc Khmer có 579 hộ/2.801 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Khmer chủ yếu sống theo phum, sóc tập trung ở 4 xã, thị trấn biên giới gồm: Nhơn Hưng, An Phú, An Nông, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác, chế biến đường thốt nốt và buôn bán nhỏ.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Những năm qua, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh nên đời sống đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khá hơn, nhân dân được hưởng nhiều công trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội được chăm lo, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền được củng cố. Tuy nhiên, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của bà con chưa cao, một số còn tự ti, ỷ lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phân công giao nhiệm vụ cho các cán bộ tăng cường cho 4 xã, thị trấn biên giới có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đội ngũ này đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân...

Xác định tốt trách nhiệm trong công tác vận động quần chúng, BĐBP An Giang đã tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình 134, 135... của Chính phủ. BĐBP tỉnh còn cử cán bộ phối hợp với các ngành tổ chức phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cá, nuôi bò; phối hợp đào tạo nghề được 42 lớp với 1.512 người; tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 326 lượt người. Đặc biệt, các đơn vị BĐBP An Giang đã hỗ trợ đột xuất cho bà con nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn 2,3 tấn gạo cùng chăn, màn, quần áo, tặng sách vở cho các cháu học sinh cùng nhiều phần quà có tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 4 em học sinh nghèo người dân tộc Khmer, mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, BĐBP An Giang còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai kịp thời các chính sách về dân tộc, giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được cấp nhà ở, đất ở; hỗ trợ vay vốn tập trung phát triển sản xuất, trong đó, 38 hộ vay vốn nuôi bò, 33 hộ vay vốn để sản xuất đường thốt nốt và 194 hộ vay vốn sản xuất với số tiền trên 2 tỷ đồng; xây dựng 117 căn nhà Đại đoàn kết, 1 căn nhà Tình nghĩa, 2 căn nhà Tình thương trị giá hơn 300 triệu đồng. BĐBP tỉnh còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền cổ động đạt kết quả tốt. Qua đó, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đã được giữ gìn và phát huy ngày càng đa dạng, phong phú hơn; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và giáo dục giới trẻ bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Trong niềm hân hoan được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng tặng nhà “Mái ấm biên cương”, xe đạp mới, em Neang Ros (học sinh nghèo học giỏi), trú tại sóc Tà Ngáo, ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên tâm sự: “Cháu cảm ơn các chú Biên phòng rất nhiều. Nhờ các chú mà hàng tháng cháu có tiền trang trải học hành. Các chú còn vận động tặng nhà mới, tặng xe đạp cho gia đình cháu. Cháu hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo, dạy học cho con em đồng bào Khmer trên quê hương mình”.

Trong những dịp lễ hội dân tộc hằng năm như Tết Chol Chnam Thmay, Sel Dolta của đồng bào Khmer, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành trong tỉnh tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho các chùa, gia đình chính sách, các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng. Cán bộ BĐBP tỉnh cũng trực tiếp đứng lớp giảng dạy 4 lớp/86 học sinh người Khmer và vận động 146 em người Khmer bỏ học trở lại lớp. Để làm tốt công tác vận động quần chúng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Trường Dân tộc nội trú tỉnh An Giang mở các lớp dạy tiếng Khmer nhằm tăng cường khả năng giao tiếp với đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay, có khoảng 70% đội ngũ cán bộ BĐBP tỉnh nói thành thạo tiếng Khmer, nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thuận lợi hơn rất nhiều.

Những việc làm thiết thực, hiệu quả của BĐBP tỉnh An Giang đã góp phần xây dựng địa bàn các xã, phường, thị trấn biên giới ổn định về chính trị, đời sống về vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được cải thiện, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân ở khu vực biên giới luôn được củng cố vững chắc.

Chiến Khu

Bình luận

ZALO