Biên phòng - Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, BĐBP Nghệ An đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, biện pháp củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chăm lo cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Nhờ đó, tình cảm quân dân ngày càng thêm gắn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trên khu vực biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhamxay (Lào) có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, khu vực định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh cho khu vực biên giới.
Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào các dân tộc định cư trên khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; tình trạng di cư tự do, truyền đạo trái phép, hoạt động của các loại tội phạm cũng diễn ra phức tạp.
Trên cơ sở bám sát tình hình địa bàn, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5/10/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới” đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, BĐBP Nghệ An đã tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân biên giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đơn vị trực thuộc đã quan tâm nghiên cứu, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình và điều kiện của từng đối tượng, từng địa bàn. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh của BĐBP Nghệ An luôn được các cấp chính quyền đánh giá cao. Tính đến tháng 7/2022, đã có 6 đồng chí đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng được chỉ định tham gia cấp ủy 6 huyện biên giới; 27/27 đồng chí cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp xã, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy tại 27 xã biên giới đất liền, 65 đảng viên các đồn Biên phòng sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ xóm, bản ở địa bàn phức tạp, trọng điểm; 453 đảng viên phụ trách 2.535 gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, cán bộ BĐBP đã phối hợp bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp được 227 đảng viên là người dân tộc thiểu số vào Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa 8 bản có nguy cơ “tái trắng” chi bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, bằng nhiều chương trình, việc làm thiết thực, BĐBP Nghệ An đã tham gia giúp đỡ nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành và thực hiện có hiệu quả các đề án nhằm huy động nguồn lực hướng về biên giới, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, như: “Nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tuyến biên giới phía Tây Nghệ An giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo”; “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2018”; “Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới, góp phần phát phát triển kinh tế- xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”... xây dựng, nhân rộng và duy trì nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Trong đó, đã xây dựng 5 “Ngôi nhà thiện nguyện” để huy động, cấp phát quần áo, nhu yếu phẩm và các hoạt động khác như sửa chữa đồ dùng sinh hoạt cho nhân dân, học sinh; xây dựng và duy trì 6 phòng khám quân dân y kết hợp, 3 “Tủ thuốc biên cương” để khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít có điều kiện khám, chữa bệnh.
BĐBP Nghệ An cũng thực hiện tốt chức năng tham mưu cho các địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, duy trì có hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản đường biên, mốc giới; tự quản an ninh, trật tự thôn, bản.
Qua đó, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhất là tội phạm ma túy; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và tham mưu tiến hành có hiệu quả hoạt động ngoại giao nhân dân. Hiện nay, đã tổ chức kết nghĩa được 21 cặp bản Việt Nam kết nghĩa với 23 bản của Lào; 8 đồn Biên phòng với 8 đơn vị bảo vệ biên giới của Lào. Hai bên thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin trong tuần tra, kiểm soát biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Công tác đào tạo, phát triển cán bộ BĐBP là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng luôn được chú trọng. Đến nay, đơn vị có 75 đồng chí sĩ quan, 104 quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số đang giữ các chức vụ khác nhau, nhiều đồng chí có thành tích tiêu biểu trong công tác. Công tác tuyển quân hàng năm của BĐBP Nghệ An luôn đảm bảo tỷ lệ thanh niên các thành phần dân tộc tham gia nhập ngũ.
Trong 10 năm qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp tuyển chọn được 523 thanh niên dân tộc thiểu số đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe nhập ngũ vào BĐBP Nghệ An, sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, biên chế về các đơn vị cơ sở để tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, tạo nguồn cán bộ cho địa phương.
Viết Lam