Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Chậm lại nhịp đập miền sông nước

Biên phòng - Trong các bản lược sử về miền đất Tây Nam Bộ, các sử gia đều ghi lại và thừa nhận rằng, Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo của dân tộc Khmer diễn ra hằng năm chính là nhịp đập văn hóa tiêu biểu của cả miền đồng bằng sông Cửu Long. Vì tình hình Covid-19 tại khu vực này chưa được kiểm soát an toàn, nên kỳ đua ghe ngo 2021 dự kiến diễn ra vào 2 ngày 18 và 19-11 tới đây vừa được tỉnh Sóc Trăng ra thông báo hoãn, đồng nghĩa với cuộc đua ghe và nhiều hạng mục lễ hội kèm theo sẽ không được diễn ra. 

Chiếc ghe ngo sơn hình con dơi được bảo quản ở Chùa Dơi, Sóc Trăng như một vật quý. Ảnh: TTH

Chỉ còn vài tuần nữa là tới kỳ lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer mà đua ghe ngo chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động văn hóa tôn giáo – tín ngưỡng đón Tết Ok Om Bok. Đây là ngày lễ cúng trăng, nuốt cốm dẹp rằm tháng mười của người Khmer. Trong tín ngường của họ, mùa trăng là mùa nước, cúng trăng là cúng thần nước, bà mẹ của các vị thần, ban cho mùa màng và đời sống ấm no.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Sóc Trăng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh chưa dừng lại ở nhiều địa phương trong khu vực Nam Bộ. Không thể kiểm soát được tuyệt đối tình trạng người dân ở các địa bàn vùng dịch đi sang các địa phương khác bằng phương tiện cá nhân, không qua chốt kiểm soát, không khai báo y tế, khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, tỉnh Sóc Trăng buộc phải có một quyết định khó khăn là dừng toàn bộ các hoạt động lễ hội trong dịp lễ trọng đại của người Khmer. Người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được khuyến nghị tổ chức lễ nghi, tín ngưỡng quy mô gia đình, không tụ tập đông người và vẫn phải phòng, chống dịch ở mức cao.

Tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc của tỉnh Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sóc Trăng cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường xây dựng các chuyên mục, chương trình văn nghệ để phát sóng truyền thông, bù đắp đời sống tinh thần cho bà con. Nếu điều kiện cho phép, có thể tổ chức truyền hình trực tiếp phục dựng Lễ cúng trăng của dân tộc Khmer vào đúng dịp Lễ Ok Om Bok năm 2021. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Đó là thách thức cho các đơn vị vì tổ chức một lễ hội văn hóa hạn chế người tham gia khó gấp nhiều lần tình trạng bình thường.

Thông lệ hằng năm, tỉnh Sóc Trăng - địa phương quy tụ nhiều nhất đồng bào Khmer sinh sống cũng là nơi tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu, lễ hội chỉ dành cho đồng bào Khmer Sóc Trăng, sau này tiếng vang vượt ra khỏi quy địa phương, trở thành lễ hội mang tính khu vực, các tỉnh có người Khmer sinh sống đều tham gia. Ngày hội đông đúc, náo nhiệt bậc nhất ở vùng đồng bằng, kéo theo niềm hứng khởi của các dân tộc anh em, mọi thành phần, tầng lớp nhân dân. Tất thảy đều chờ đợi và háo hức chuẩn bị cho kỳ lễ hội này, kéo theo đó là hàng loạt hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa, xã hội.

Việc đảm bảo an ninh, an toàn và chuyên nghiệp dần trong khâu tổ chức về phía tỉnh Sóc Trăng nhìn thấy rõ trong vài năm gần đây. Lễ hội không khác gì một cuộc biểu dương lực lượng lao động trẻ hùng hậu, khỏe mạnh và lối sống đậm màu bản sắc của đồng bằng sông Cửu Long. Sức vóc, sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất giàu tiềm năng tự nhiên, có chiều sâu văn hóa cũng hội tụ cả vào trong một kỳ lễ hội được tổ chức vào mùa trăng linh nghiệm nhất trong năm, thường rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 10 âm lịch.

Ngoài cuộc đua ghe ngo được đón đợi thì Tết Ok Om Bok còn đi kèm nhiều hoạt động ca, múa nhạc, sân khấu Dù kê, sân khấu Rô băm, nhạc Ngũ âm... và nhiều loại hình hoạt động văn hóa dân gian khác. Thời gian qua, rất nhiều ngôi chùa xây mới, tu bổ và khánh thành cũng không được tổ chức lễ kiết giới (khánh thành và an vị), không hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo tập trung tại chùa. Nhịp sống đồng bằng dường như chậm lại khi các ngôi chùa lớn thì đóng cửa không đón khách du lịch, phật tử tu tại gia và nâng cao ý thức phòng chống dịch. Nhưng ai cũng nuôi hy vọng dịch bệnh sẽ dần được khống chế, vì thế, trên thực tế, rất nhiều ngôi chùa bỏ công làm mới những chiếc ghe ngo để chuẩn bị cuối năm mang ra đua ghe.

Năm 2020, vô địch đua ghe ngo Ok Om Bok thuộc về đội đua chùa Tumnup (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), á quân là đội Om Pou Year, hạng 3 là chùa WathPich và hạng 4 là Bưng Tonsa. Ngôi chùa Tumnup có 2 kỷ vật được các phật tử và nhân dân rất trân quý giữ gìn là chiếc ghe ngo và ghe cà hâu được đóng từ một thân cây gỗ quý. 2 chiếc ghe này được đóng từ một thân gỗ và đặt đóng trong nhiều tháng, vận chuyển theo đường sông suốt một thời gian rất dài mới về được tới chùa, trải qua nhiều kỳ đua ghe và đã tồn tại đã hơn 300 năm.

Hạ ghe và tập luyện đua ghe ngo ở Sóc Trăng (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: TTH

Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa có những chiếc ghe kỷ vật lâu đời như vậy. Họ giữ lại và xây riêng các nhà bảo quản, sơn sửa hằng năm, còn chiếc ghe mang ra đua và tập thì cứ vài năm lại được đóng mới, chi phí rất đắt đỏ. Chuẩn bị cho mùa đua ghe và tập luyện năm 2021, rất nhiều ngôi chùa đã đóng ghe mới. Tuy nhiên, cả hoạt động tập luyện cũng đã không được diễn ra do tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Chùa Tứk Pray, còn gọi là chùa Nước mặn ở Long Phú, Sóc Trăng – một trong những ngôi chùa dự tính sẽ trở lại với 1 chiếc ghe đóng mới tuyệt đẹp, nhưng các vị sư tăng và phật tử tại đây cũng đã nghiêm túc tuân thủ quy định phòng dịch. Chiếc ghe mới tinh lỡ hẹn một mùa trăng. Một lý do khác dẫn đến việc các chùa đóng mới nhiều ghe và háo hức chuẩn bị cho mùa đua ghe từ đầu năm 2021 là phong trào đua ghe ngày càng phát triển, càng thu hút công chúng. Hoạt động văn hóa, lễ hội tín ngưỡng càng mở rộng để tạo ra sức hút, sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển miền đồng bằng. Các chùa cạnh tranh thanh thế, khao khát chiến thắng, và đằng sau đó cũng thể hiện sự tôn kính với các vị thần, tinh thần sùng đạo và cầu mong may mắn trong cuộc sống, trong phum sóc.

8 đội đua ghe giành được giải của năm 2020 đến từ 6 ngôi chùa khác nhau, thể hiện các ngôi chùa, các địa phương ngày càng nhập cuộc. Cuộc đua thành tích cũng ngày càng rút ngắn khoảng cách, trình độ giữa các đội ghe. Điều đáng chú ý là các đội đóng mới ghe, có tổ chức tập luyện, thuê huấn luyện viên và có nguồn lực kinh phí để tổ chức đội đua thì đều giành thắng lợi. Điều này khiến cuộc đua ngầm để sắm sanh vật chất, chuẩn bị con người càng ráo riết.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO