Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 03:49 GMT+7

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6:

Chăm con nuôi để đỡ nhớ con mình

Biên phòng - Nhiều người lính Biên phòng đã và đang nuôi nấng, dành sự quan tâm đặc biệt cho những cô bé, cậu bé là con của đồng bào dân tộc trên biên giới. Với họ, việc chăm sóc, dạy dỗ những người con nuôi của đơn vị không chỉ xuất phát từ trách nhiệm mà là tình thương và cũng là một cách để vơi nỗi nhớ con đẻ của mình ở quê nhà.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Làn, BĐBP Hà Giang kiểm tra thân nhiệt cho học sinh khi đi học trở lại sau kỳ nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh: Hà Đô

Yên tâm gửi con cho cán bộ Biên phòng

Tôi trò chuyện với những người lính Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Bé Phùng Văn Kim cười nắc nẻ khi được một người lính trẻ cho ngồi lên vai nghiêng người lượn như tàu bay. Kim năm nay 7 tuổi. Cậu bé được Đồn Biên phòng Đức Long đón về nuôi dưỡng từ năm trước khi bắt đầu bước vào học lớp 1. “Khi chúng tôi xuống nhà đón về đơn vị nuôi, cậu bé không hề khóc, chỉ xin mang theo con cún con về làm bạn. Xa mẹ, môi trường sống mới mẻ hoàn toàn, vậy mà cậu bé hòa nhập rất nhanh” - Thiếu tá Dương Văn Hậu, cán bộ Đội Vận động quần chúng, người trực tiếp chăm sóc cậu bé kể với chúng tôi.

Kim mồ côi cha từ khi hơn 3 tuổi. Mẹ của em - chị Đinh Thị Tuất không có nghề nghiệp, không có ruộng nương, chỉ đi làm thuê để nuôi 3 người con. Bởi thế, khi chỉ huy Đồn Biên phòng Đức Long đề nghị nhận nuôi cháu Kim, chị Tuất vừa mừng, vừa lo, vừa nhớ con. Mừng là vì con sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện đầy đủ hơn, không phải chịu cảnh bữa đói, bữa no. Còn lo là con còn nhỏ dại, nhỡ đau ốm thì làm sao, rồi cháu nhớ nhà quấy khóc sẽ rất phiền các bác, các chú bộ đội. Thế nhưng nghĩ cho tương lai của con, chị Tuất nén lòng gạt nỗi nhớ con và cả những lo lắng, băn khoăn sang một bên, gửi con cho bộ đội với sự tin tưởng nhất định. Nỗi lo toan về “cơm áo gạo tiền” của chị Tuất cũng giảm bớt khi Đồn Biên phòng Đức Long nhận đỡ đầu cả cô con gái theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Nhắc lại chuyện đón Kim về nuôi, những người lính ở đồn bảo rằng, ban đầu cũng e ngại vì cháu còn quá nhỏ, đơn vị có nhiều người đã lên chức bố nhưng lại chưa có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ con vì ai cũng ở xa nhà, việc săn sóc con cái đều do vợ đảm nhiệm. Vậy mà, bằng tình thương và trách nhiệm, những ông bố mặc áo lính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

“Khi mới đón cháu về, tôi trực tiếp tắm rửa, giặt giũ, hướng dẫn cháu học, sinh hoạt theo nền nếp của đơn vị. Giờ thức dậy, giờ ăn đều theo kẻng bộ đội. Mất khoảng 2 tháng rèn giũa, hướng dẫn, cháu đã quen với nền nếp của đơn vị, tự giác vệ sinh cá nhân, đánh răng trước khi đi ngủ, tự mắc màn, quét dọn nhà...” - Thiếu tá Hậu cho hay.

Anh Hậu quê ở Bắc Giang. Công tác xa nhà quanh năm suốt tháng nên anh không có điều kiện dạy con học, thế nhưng anh lại là ông bố cần mẫn của 2 cậu con nuôi. “Tôi chưa bao giờ đưa đón con đi học, số lần tắm cho con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, với 2 cậu con nuôi, tôi lại là người trực tiếp tắm rửa, đưa đón chúng đi học, chỉ dạy cho chúng từ những cái nhỏ nhất. Chúng tôi chăm con nuôi để đỡ nhớ con của mình”.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo của những người bố nuôi, Kim lớn lên trông thấy, biết quét dọn nhà vào mỗi buổi sáng. Cậu bé đã quen với nền nếp của đơn vị, nghe kẻng là thức dậy, đến giờ tự giác mắc màn đi ngủ. Nhìn con lớn lên mỗi lần về thăm nhà, chị Tuất cười bảo rằng: “Gửi con cho BĐBP, tôi rất yên tâm”.

Mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con

Trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị BĐBP đều phải rải quân chốt chặn ở biên giới. Nhiệm vụ chống dịch, tuần tra, kiểm soát biên giới rất nặng nề, nhưng những người lính Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho 2 cậu con nuôi Thào Đức Dũng và Tẩn Minh Khải. Cả hai đều học lớp 5. Do dịch Covid-19, cũng như học sinh cả nước, 2 cháu phải nghỉ học 3 tháng. Không muốn 2 người con nuôi bị ảnh hưởng, chỉ huy Đồn Biên phòng Bát Xát đã giao cho những chiến sĩ trẻ của đơn vị tìm bài giảng online cho 2 con học, hướng dẫn ôn lại bài. Họ cũng dành nhiều thời gian củng cố kiến thức tiếng Anh cho 2 người con nuôi của mình.

Thiếu tá Hậu chăm sóc Kim những ngày cháu mới được đón về nuôi dưỡng tại đơn vị. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng với việc học tập, chăm sóc dinh dưỡng với các bữa ăn đủ chất hằng ngày, cán bộ Đồn Biên phòng Bát Xát còn rèn dạy kỹ năng sống, cách giao tiếp, ứng xử, rèn luyện sức khỏe cho 2 cậu con nuôi. Với sự hướng dẫn của những người bố nuôi, cả hai hiện đã chơi được bóng bàn.

Kim, Dũng và Khải chỉ là 3 trong số hàng ngàn trẻ em ở khu vực biên giới đang nhận được sự chăm lo, giúp đỡ của những người lính mang quân hàm xanh. Với ý nghĩa tri ân đồng bào biên giới, những năm qua, BĐBP luôn quan tâm chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng là người dân tộc thiểu số hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. BĐBP đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như: “Con nuôi đồn Biên phòng”; “Nâng bước em tới trường”; tổ chức Tết Trung thu và các hoạt động trao học bổng, sách vở, phương tiện đến trường cho học sinh. Các đơn vị Biên phòng cũng phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương vận động học sinh đến trường, vận động kinh phí xây dựng lớp học...

Đến nay, 138 đồn Biên phòng đã nhận nuôi 355 cháu học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ở khu vực biên giới, trong đó, 258 cháu được nuôi dưỡng tại đồn, 97 cháu được nuôi dưỡng tại gia đình. Cháu nhỏ tuổi nhất 2 tuổi. Có 5 cháu trong độ tuổi mầm non, 224 cháu học tiểu học, 126 cháu học trung học cơ sở.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai từ năm 2014, hiện nay, các đơn vị BĐBP đang đỡ đầu 2.573 cháu học sinh. Mỗi cháu được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi học hết lớp 12.

Thông thường, các đơn vị BĐBP nhận nuôi 2 cháu, tuy nhiên, một số đơn vị nhận nuôi nhiều hơn như: Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang nuôi 6 cháu; Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An nuôi 4 cháu; Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh nuôi 4 cháu; Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình nuôi 5 cháu; Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị nuôi 9 cháu.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO