Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 02:37 GMT+7

“Cha đẻ” của ca khúc “Nơi đảo xa” đã đi xa!

Biên phòng - Nhạc sĩ Thế Song vừa qua đời ở tuổi 85! Ông được nhiều người biết đến với những ca khúc viết về biên giới, biển, đảo và người lính Biên phòng. Sự ra đi của nhạc sĩ Thế Song đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho những người đồng nghiệp từng có thời gian công tác cùng ông tại Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) cũng như giới chuyên môn, các thế hệ nghệ sĩ và khán thính giả trên khắp mọi miền của Tổ quốc...

1bd7_8a
Nhạc sĩ Thế Song. Ảnh: Thanh Thuận

Nhạc sĩ của biển, đảo Việt Nam

Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933, tại Hà Nội. Khi bước sang tuổi 20, Thế Song trúng tuyển vào Đoàn Ca nhạc Đài TNVN với vai trò là diễn viên hát. Thế Song vừa là ca sĩ trong đoàn hát, lại vừa được phân công theo dõi và dàn dựng cho chương trình "Khắp nơi ca hát". Cũng qua chương trình này, Thế Song đã trở thành biên tập viên âm nhạc lúc nào không hay.

Bên cạnh đó, Thế Song cũng tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc theo phong trào tự học đang phát triển mạnh trong đội ngũ những đồng nghiệp của ông cùng công tác tại Đài TNVN thời bấy giờ. Sau 40 năm công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài TNVN, năm 1995, nhạc sĩ Thế Song nghỉ hưu, song, ông vẫn cộng tác thường xuyên với Ban Biên tập âm nhạc của Đài TNVN. Ông tích cực tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội với 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành (từ năm 1995-2010).

Nhạc sĩ Thế Song đi nhiều nơi, viết nhiều tác phẩm âm nhạc mang hơi thở của cuộc sống, với gần 600 ca khúc viết về nhiều đề tài, trong đó, nổi bật nhất là những ca khúc viết về biển, đảo như: Nơi đảo xa, Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau... Trong đó, ca khúc Nơi đảo xa đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thế Song, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, khán giả cả nước đặc biệt yêu mến.

Lúc ông còn sống, tôi đã từng có dịp gặp và hỏi chuyện về về ca khúc Nơi đảo xa, ông bộc bạch, năm 1979, lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam đang nổ ra, ông cùng với nhạc sĩ Phạm Tịnh đi thực tế sáng tác tại các đồn Biên phòng thuộc tỉnh Quảng Ninh. Một lần nghỉ chân tại Trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội Hải quân, anh em ở trạm đã kể cho ông nghe nhiều câu chuyện cảm động. Trong đó, những chiến sĩ vừa từ đảo Trường Sa trở về kể lại những khó khăn vất vả nơi đảo xa, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân...

Những câu chuyện cảm động đã làm bật lên những giai điệu, câu nhạc và hoàn chỉnh phần âm nhạc của ca khúc. Nhạc sĩ viết lời 1 của ca khúc Nơi đảo xa trên đoạn đường từ Quảng Ninh về Hà Nội. Lời 2 của bài hát được ông hoàn thành tại nhà riêng. Sáng tác xong, nhạc sĩ Thế Song đã mời ca sĩ Tiến Thành đến tập, anh trở thành người hát đầu tiên và thành công nhất ca khúc này. Khi được phát trên làn sóng của Đài TNVN, ca khúc Nơi đảo xa đã làm rung động trái tim của hàng triệu người con đất Việt. Năm 1995, khi tác phẩm đã được nhiều người biết đến, nhạc sĩ Thế Song mới có dịp đến Trường Sa.

Người dành tình cảm lớn cho biên giới và BĐBP

Trong hơn 600 ca khúc của nhạc sĩ Thế Song, không chỉ có những bài hát viết về biển, đảo, mà còn có những bài hát viết về biên giới, những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chống kẻ thù, nguyện hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc... Trong đó tác phẩm Bài ca trên đỉnh Pò Hèn và Tình yêu bên suối được rất nhiều người mến mộ.

Trong lần đi thực tế cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Móng Cái vài tháng sau trận Pò Hèn kết thúc (17-2-1979), câu chuyện bi tráng về tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của những người lính Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 (Đồn Biên phòng Pò Hèn ngày nay) và đặc biệt là sự hy sinh của nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã gây xúc động sâu sắc để nhạc sĩ Thế Song viết nên ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn. Những giai điệu mang âm hưởng vùng Đông Bắc được nhạc sĩ sử dụng một cách tài hoa, đã khiến ca khúc này trở thành một khúc tráng ca thầm lặng, mang tầm khái quát cho tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc.

Bài hát Tình yêu bên suối viết trực tiếp về những người lính Biên phòng, cũng được nhạc sĩ Thế Song sáng tác trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1979. Nhạc sĩ Thế Song viết “Tình yêu bên suối” với những lời hát dung dị, âm điệu vui tươi, mộc mạc như chính những con người sống ở bản làng biên giới. Nghe Tình yêu bên suối ta có cảm nhận như lời hát ngân trong núi đá, giữa lưng chừng mây chiều biên giới.

Với đặc thù nhiệm vụ của mình, người lính Biên phòng thường cắm chốt ở nơi biên ải xa xôi, gian nan, thiếu thốn. Vất vả là thế, nhưng những người lính mang quân hàm xanh vẫn giấu sâu trong lòng những chịu đựng, gian khổ, trên môi vẫn luôn nở nụ cười, tận tình đến các bản làng biên giới giúp đỡ đồng bào các dân tộc với tinh thần trách nhiệm cao cả. Các anh vừa là “giáo viên dạy cho dân chữ”, vừa “là thầy thuốc giữ cho dân lành”. Điều đó khiến hình ảnh người lính mang quân hàm xanh càng thêm trong trẻo, thân thương.

Là người thể hiện đầu tiên và rất thành công ca khúc Tình yêu bên suối, Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Vi Hoa của Đoàn Văn công BĐBP rất xúc động trước tin nhạc sĩ Thế Song đã ra đi mãi mãi. Khi nghe ca khúc này, những người chiến sĩ Biên phòng cảm thấy sự gần gũi, thấu hiểu của nhạc sĩ với tình cảm và công việc của mình ở vùng sâu, vùng xa đầy gian khó. Từ khi ca khúc ra đời đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân Vi Hoa vẫn hát và luôn được mọi người yêu mến. Chị xúc động chia sẻ: “Nhạc sĩ đã viết nên ca khúc, còn tôi là người chắp cánh cho ca khúc bay cao. Tôi và các thế hệ nghệ sĩ từng biểu diễn tác phẩm của ông và khán giả vô cùng biết ơn ông”.

Với sự đóng góp to lớn của nhạc sĩ Thế Song với nền âm nhạc nước nhà, năm 2017, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn và Tình yêu bên suối.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO