Biên phòng - Không chỉ được bà con trong cộng đồng kính trọng, mến phục và cấp ủy, chính quyền địa phương đặt trọn niềm tin, già làng Ma An ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) còn là “nhịp cầu nối” củng cố tình quân dân trên biên giới. Phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, già làng Ma An tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, củng cố vững chắc thế trận biên phòng (BP) toàn dân, góp phần xây dựng nông thôn biên giới ngày càng bình yên và phát triển...
Theo chân Đội công tác địa bàn, Đồn BP Sê Rê Pốk (BĐBP Đắk Lắk), chúng tôi đến thăm gia đình già làng Ma An ở buôn Trí A, xã Krông Na trong một buổi chiều cuối Xuân tràn ngập nắng và gió. Sự ngột ngạt khó chịu của mùa khô Tây Nguyên chợt tan biến bởi tình cảm mà già làng dành cho chiến sĩ BP, gần gũi, thân thương như người trong một nhà. Năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng già làng Ma An vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát với làn da ngăm đen săn chắc như “cây xà nu” sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Già làng Ma An nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na (giai đoạn 1994-1996). Đây là giai đoạn có thể nói là khó khăn, thử thách bậc nhất đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới như xã Krông Na. Bởi trình độ dân trí lúc bấy giờ chưa được cải thiện, dẫn đến khả năng tiếp cận cách làm ăn mới trong những ngày đầu thực hiện công cuộc đổi mới của bà con còn chậm.
Nhiều buôn làng vẫn còn “đậm đặc” nếp sống du canh du cư, tự cung, tự cấp nên nghèo nàn, lạc hậu vẫn hoành hành khắp nơi. Trong tình cảnh đó, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Ma An đã bám sát địa bàn, tập trung lãnh đạo điều hành triển khai thực hiện hiệu quả công tác định canh định cư, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân.
Năm 2004, khi vừa nghỉ công tác ở xã, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Buôn trưởng buôn Trí A, xã Krông Na. Thời điểm đó, Tây Nguyên đang trở thành điểm nóng về an ninh chính trị do sự trỗi dậy của tổ chức phản động FULRO được sự tiếp tay của các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động biểu tình gây rối, kích động, xúi giục người nhẹ dạ cả tin vượt biên trái phép sang Campuchia.
“Giấc mộng” chính trị viển vông của những kẻ ngông cuồng đã làm cho một số buôn làng trên địa bàn Tây Nguyên rơi vào cảnh ruộng nương bỏ hoang, gia đình ly tán. Buôn Trí A cũng không phải là ngoại lệ và Buôn trưởng Ma An đương nhiên phải là chỗ dựa vững chắc nhất của bà con. Suốt một thời gian dài, bám sát từng hộ gia đình, ông kiên trì tuyên truyền, vận động, giáo dục bà con nhận diện rõ bộ mặt thật của bọn phản động để mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe lời xúi giục của bọn chúng.
Nhờ đó, cả buôn Trí A đều vững tâm theo Đảng, không một ai tham gia hay tiếp tay cho bọn phản động, an tâm bám nương, bám đồng, làm ra của cải vật chất cho gia đình và khẳng định sức mạnh tình đoàn kết dân tộc trên địa bàn biên giới. Những năm sau đó, buôn Trí A luôn là khu dân cư đi đầu của xã Krông Na nói riêng, huyện Buôn Đôn nói chung về sự ổn định an ninh chính trị, cũng như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thành quả đó ghi nhận sự cống hiến không ngừng nghỉ của người Buôn trưởng đầy tình thương và trách nhiệm.
Năm 2014, với uy tín đã được khẳng định, Ma An được bà con tín nhiệm bầu làm già làng của buôn Trí A. Trong vai trò là “người cha tinh thần”, gần như mọi việc lớn nhỏ trong buôn, từ tổ chức các ngày lễ hội, cưới hỏi, cho đến giải quyết các tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, đều được già làng Ma An đứng ra giải quyết, phân xử, đúng sai rõ ràng.
“Buôn Trí A của mình nằm ở trung tâm khu du lịch cầu treo Buôn Đôn. Đây có thể nói là mảnh đất tinh hoa, rất giàu bản sắc văn hóa để có thể phát triển du lịch. Và thực tế là hằng năm, buôn Trí A đón rất nhiều du khách thập phương đến tìm hiểu văn hóa, con người Bản Đôn. Để làm được điều đó, già làng như Ma An đến từng gia đình hướng dẫn bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc. Cùng với đó, già làng thường xuyên nhắc nhở bà con nêu cao ý thức làm chủ, phối hợp chặt chẽ với Đồn BP Sê Rê Pốk tuần tra, quản lý địa bàn, bảo đảm môi trường an ninh lành mạnh để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với quê hương mình...” - chị H’Sinh Lào, sống tại buôn Trí A, xã Krông Na chia sẻ với chúng tôi.
Từ năm 2017 đến nay, với vai trò là “người cha tinh thần” của buôn Trí A, kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải, già làng Ma An đã cùng với chính quyền địa phương và Đồn BP Sê Rê Pốk xử lý hàng trăm vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, vi phạm quy chế biên giới... Cùng với đó là những thành tích xuất sắc trong công tác vận động, hướng dẫn bà con trong buôn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Nói về những cống hiến của già làng Ma An, ông Đặng Văn Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Na cho biết: “Trong công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương, bên cạnh sự vận động của cả bộ máy chính quyền cơ sở, không thể không nói đến những đóng góp vô cùng quan trọng của già làng Ma An. Ông đã đồng hành cùng chúng tôi và đồn BP trong tuyên truyền, vận động nhân dân, vận động con cháu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, già làng Ma An luôn gương mẫu đi đầu, tích cực phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sê Rê Pốk tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, tuyên truyền nhân dân trong buôn nêu cao ý thức làm chủ, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới...”.
Năm nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng có thể nói, già làng Ma An vẫn bền bỉ, dẻo dai như “cây xà nu” sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên. Những bước chân không mỏi của ông đã góp thêm nụ cười tràn đầy niềm tin cho buôn làng, tạo nên “chiếc cầu nối” vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân, nghĩa tình quân dân, cùng với người lính BP xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới ngày càng bình yên và phát triển.
Thái Kim Nga - Ngọc Lân