Biên phòng - Nếu ai đã từng đến với thành phố Hải Phòng, chắc sẽ tiếc nuối nếu không có dịp đến tham quan đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), nơi có cây gạo cổ thụ niên đại 735 năm gắn liền với tên tuổi của Quỳnh Trân công chúa. Không gian linh thiêng nơi đây từ lâu trở thành điểm nhấn trong hành trình tâm linh, thu hút du khách đến với Hải Phòng.
Cây gạo tọa lạc tại đền Mõ, nơi thờ Quỳnh Trân công chúa - con gái đức vua Trần Thánh Tông, người đã có công khai hóa mảnh đất này. Hiện tại, cây gạo có chiều cao khoảng 30m, gồm 2 thân: Một thân chính (có đường kính hơn 2m) và một thân phụ (có đường kính 0,5m). Diện tích che phủ của tán cây khoảng 1.200m2. Trải qua 735 năm, cây gạo vẫn xanh tươi, ra hoa nở đỏ rực rỡ vào tháng 2 và tháng 3 (âm lịch). Mỗi khi hoa nở, không gian đền Mõ đỏ rực màu đỏ của hoa gạo, lúc như tấm áo choàng đỏ phủ tràn hết sân đền, lúc chập chờn trong mờ ảo mưa xuân như một bức tranh đẹp.
Công chúa Quỳnh Trân đã chọn đất thuộc làng Nghi Dương (thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) làm nơi lập am. Sau đó, bà chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng lại thành ngôi chùa Mõ.
Tương truyền, dưới thời nhà Trần, công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức, tuy sống trong nhung lụa, cung cấm, nhưng đầy nỗi cô đơn, phiền muộn. Công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã. Một hôm, khi qua làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), thấy mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có núi non, sông nước mênh mông, liền xin với vua cha cho lập am tu hành tại đây. Năm Quý Mùi (1283), công chúa xin vua cha cho xuất gia, quy y cửa Phật. Thương con chẳng nỡ xa, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, nhà vua đành đồng ý.
Tại Nghi Dương, cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, lập điền trang trồng cấy lương thực, mở chợ cho dân buôn bán, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Có năm bị thiên tai mất mùa, bà xin vua miễn thuế cho 5 xã trong vùng, dân rất nhớ ơn. Để điều hành công việc hằng ngày, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc... Mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm. Từ đó, người dân trong vùng gọi Quỳnh Trân công chúa là bà Chúa Mõ.
Bà còn trồng cây gạo ở đây để lấy bóng mát cho người dân nghỉ ngơi khi làm đồng và cầu mong cho mọi người đều có gạo ăn. Sau khi công chúa qua đời, người dân quanh vùng lập đền thờ công chúa, lấy tiếng mõ là tên cho đền để tưởng nhớ công đức của bà. Ngôi chùa cổ Hồng Phúc, nơi tu hành của công chúa Quỳnh Trân và ngôi đền thờ sau khi bà qua đời cũng được gọi là đền, chùa Mõ.
Đền Mõ có từ đó và được giữ đến ngày nay cùng với cây gạo đại thụ cành lá xum xuê tỏa bóng. Trải qua hơn 700 năm, với bao thăng trầm lịch sử, cây gạo vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát, nở hoa rực rỡ trước sân đền. Từ xa nhìn lại, hai thân cây gạo này khá giống hình ảnh người mẹ đang ôm ấp, vỗ về đứa con nhỏ. Vì thế, người dân trong vùng tin rằng, những cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái chỉ cần cùng nhau đến chạm vào phần vỏ nơi gốc, hay khấn xin “bà Chúa Mõ”, lấy một chút vỏ cây về đem gối đầu giường, sẽ nhanh chóng con đàn, cháu đống. Người ta còn truyền tai nhau một điều lạ là hàng trăm năm qua, cây gạo liên tục phát triển, cành lá xum xuê tỏa ra tứ phía, nhưng không có cành nào làm hư hại đến mái đình, vì cứ mọc gần đến thì sẽ tự khô héo, mục nát.
Hằng năm, lễ hội đền Mõ được tổ chức trong 3 ngày, từ 12 đến 14-2 (âm lịch). Cùng với các nghi lễ: Rước thánh hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tại lễ hội này còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Năm 1991, đền, chùa Mõ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2011, đúng ngày lễ hội đền Mõ, cây gạo cổ thụ này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Cây gạo đã trở thành hình ảnh rất đỗi thân quen trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây. Vẻ đẹp sù sì, gân guốc nhưng cũng không kém phần uy nghi của thân cây gạo, cùng với nét đẹp rực rỡ mỗi khi bông gạo bung nở vào mùa xuân trông như hàng nghìn, hàng triệu đốm lửa đang rực cháy sẽ khiến mỗi người con xa quê không thể nào quên.
Hà An