Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 10:32 GMT+7

Cây đàn Goong - người bạn tâm tình của Ma B’Hoa

Biên phòng - Trong những ngày đầu mùa thu, chúng tôi về buôn Lé A, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên và được thưởng thức tiếng đàn Goong của ông Ma B’Hoa, sinh năm 1957 - một người Ê Đê yêu âm nhạc truyền thống. Âm thanh rộn ràng, lúc cao vút, lúc trầm bổng… đã cuốn hút chúng tôi từ những thanh âm đầu tiên.

Ông Ma B’Hoa biểu diễn đàn Goong. Ảnh: Hoàng Hà Thế

Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa hiện nay còn gìn giữ nhiều nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn Goong, đàn T’ní, kèn Đinh Năm, trống đôi… Ông Ma Thân, Trưởng buôn Lé A, xã Krông Pa cho hay: “Mỗi dịp buôn làng tổ chức lễ hội mừng mùa màng đã thu hoạch xong lúa, bắp…, âm thanh cồng, chiêng, trống đôi vang vọng khắp núi rừng, cùng với tiếng đàn Goong của Ma B’Hoa tạo thêm niềm vui, niềm hứng khởi cho mọi người”.

Theo ông Ma Thân: “Tiếng đàn Goong của Ma B’Hoa như dòng suối chảy róc rách, dịu êm như nắng chiều vàng trên đồi nương, lúc rì rào như hạt mưa rơi”.

Kể về niềm đam mê của mình, ông Ma B’Hoa cho biết: “Lúc tôi mới 15 tuổi đã mê say tiếng đàn Goong, bởi vì âm thanh của nó ngọt ngào như lời ru của mẹ, như chim K’Puc hót lảnh lót, nhẹ nhàng như làn khói chiều trên mái nhà sàn, bay cao xa như con chim G’rư. Từ đó, tôi theo ông Ma K’Rer học đàn Goong. Từ tuổi niên thiếu cho đến bây giờ, tôi coi chiếc đàn Goong như người bạn tâm tình của mình”.

Khi chúng tôi đến nhà Ma B’Hoa nhân dịp buôn Lé A tổ chức ngày hội. Ông Ma B’Hoa mời chúng tôi thưởng thức chén rượu làm bằng nếp quạ, ủ lâu ngày bằng men rừng hương vị nồng nàn. Sau đó, ông Ma B’Hoa “chiêu đãi” chúng tôi một bản nhạc truyền thống của người Ê Đê.

Ông vừa đàn, vừa hát bằng tiếng Ê Đê bài “Yàng H’roi” (Mặt trời đang lên). Ông dịch cho chúng tôi nội dung bài hát này: “Mặt trời đang lên lũ làng ơi. Con trai, con gái cùng lên rẫy. Vui thú với ruộng nương, đủ đầy mùa lúa, bắp. Mặt trời đã thức dậy rồi buôn làng ơi. Mau ra rừng lượm củi để tối về nhóm lửa lên tỏa ấm ngôi nhà rông. Ta cùng đàn ca hát, kết đoàn dựng xây buôn làng ta ngày mai ấm no…”. Sau đó, ông hát bài H’Lâm Xang (Hái rau), đại ý nội dung bài hát: “Khách đến nhà thăm, ra suối, lên rẫy hái rau, hái cà về nấu canh đãi người anh em đi đường xa mới đến…”.

Chúng tôi quây quần bên bếp lửa, trong cảm giác lâng lâng của rượu chóe ngon, nghe tiếng đàn Goong phát ra từ trái bầu khô như tiếng suối reo, thánh thót, thiết tha sâu lắng, truyền cảm. Bàn tay của ông Ma B’Hoa điệu nghệ lướt từng phím đàn trên ống lồ ô. Âm thanh ấy, giai điệu ấy như cách nói của đồng bào Ê Đê chân chất, gần gũi tạo nên không khí mùa thu ấm áp.

Theo ông Ma B’Hoa, đàn Goong (còn gọi là Ting Ning) được làm bằng vỏ bầu, gỗ, nứa và dây bằng sắt. Thân đàn được làm từ một ống lồ ô thật già, hong (phơi) khô, phía trên thân đàn được dùi 11 lỗ, cắm 11 que (suốt) bằng gỗ được trang trí như lông chim để lên dây. Phía dưới gắn 2 quả bầu khô, to tròn đã được lấy ruột để làm hộp cộng hưởng. Phần dưới cùng của thân đàn được khứa những rãnh nhỏ làm nơi mắc dây. Mỗi dây là một âm thanh không có phím bấm.

Để chơi đàn Goong, người ta chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón tay để gảy trên dây, làm cho dây rung lên. Âm thanh đàn Goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng. Nhờ sự cộng hưởng của quả bầu khô tạo ra âm thanh thánh thót, vang xa, hòa âm dày đặc có sức truyền cảm như tiếng lòng của người đồng bào dân tộc “rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều núi rừng dần tắt nắng, hiền dịu như róc rách suối chảy…”.

Cũng bởi âm thanh đa dạng ấy mà đàn Goong được các chàng trai sử dụng để chơi độc tấu hoặc dùng để đệm cho nhau hát và còn là phương tiện để nói lên tâm sự, cảm xúc dành cho cô gái.

Ông Ma B’Hoa trải lòng thêm: “Với thanh âm rộn ràng, tiếng đàn Goong cũng không thể thiếu trong những dịp vui, lễ hội… Tiếng đàn Goong đã tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên không khí lễ hội của cả buôn làng. Đàn Goong tạo nên sự đa dạng và đặc sắc về văn hóa, nó có thể dùng độc tấu, hòa tấu với các nhạc khí khác ở Tây Nguyên”.

Còn già làng Ma Noan không giấu niềm vui khi nói rằng: “Tiếng đàn Goong của Ma B’Hoa ngân xa đến suối Len, sông T’Lúi, nó bay cao đến tận núi H’Đê. Nghe tiếng đàn Goong của Ma B’Hoa nó vui cái tai, nó ưng cái bụng mình lắm”.

Cây đàn Goong không chỉ là người bạn tâm tình để ông Ma B’Hoa thư giãn trong những ngày mùa lao động vất vả, mà còn là nhịp cầu giao duyên hạnh phúc lứa đôi, đem đến niềm phấn khởi cho mọi người trong những những ngày mùa thu nồng ấm. Cái trân quý hơn là ông Ma B’Hoa đã góp phần gìn giữ nhạc cụ truyền thống của người xưa đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoàng Hà Thế

Bình luận

ZALO