Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

“Cây đại thụ” trên biên giới Tây Nam

Biên phòng - Ông Phạm Văn Chanh (ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) được nhân dân tôn vinh là “cây đại thụ” của vùng biên giới Tây Nam. Ông là người đã góp công lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng Tổ tự quản đường biên, mốc giới hoạt động nề nếp, có hiệu quả. Đặc biệt, suốt 10 năm qua, ông tự nguyện nhận bảo vệ, chăm sóc cột mốc 232. Chính tình yêu biên giới của người cựu chiến binh này đã thắp lên “ngọn lửa” xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong bảo vệ đường biên, mốc giới trên địa bàn biên giới Tân Hộ Cơ.

e6af_9a
Ông Phạm Văn Chanh lau dọn mốc 232 mà ông tự nguyện nhận bảo vệ và chăm sóc. Ảnh: Viết Hà

Đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp, chúng tôi được nghe cán bộ, chiến sĩ kể về câu chuyện của người cựu chiến binh Phạm Văn Chanh luôn xung phong, đi đầu trong bảo vệ đường biên, mốc giới, tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện nghiêm quy chế biên giới; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà cho biết, đơn vị quản lý địa bàn 2 xã Tân Hộ Cơ và Bình Phú, huyện Tân Hồng, có 8 Tổ tự quản đường biên, mốc giới hoạt động có hiệu quả. Trong đó, Tổ tự quản ấp Dinh Bà do ông Phạm Văn Chanh đứng đầu đã quy tụ được những người có uy tín, cựu chiến binh tham gia tự quản đường biên, mốc giới, vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành quy chế qua lại biên giới, không vận chuyển hàng hóa, tiếp tay cho buôn lậu... Trong ấp, trong xã có chuyện gì xảy ra hay có người lạ xuất hiện, ông đều kịp thời báo cho BĐBP để xử lý. 

Chúng tôi đến thăm ông Phạm Văn Chanh, qua trò chuyện, được biết ông là thương binh hạng 4/4, có thâm niên hơn một thập kỷ tích cực tham gia xây dựng Tổ tự quản đường biên, mốc giới vững mạnh, tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự nguyện nhận bảo vệ mốc giới, giúp đỡ các hộ nghèo phát triển, vận động học sinh bỏ học đến trường.

Bằng uy tín của mình, ông tuyên truyền, vận động nhiều người tham gia Tổ tự quản và đưa tổ đi vào hoạt động có hiệu quả, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. “Bằng nhiệt huyết của một người đã hi sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc, khi đất nước hòa bình, ông vẫn miệt mài với sự nghiệp bảo vệ biên giới, củng cố khối đoàn kết trong nhân dân, tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm pháp luật, xây dựng ấp từng bước phát triển” - Thượng tá Lê Văn Lâm chia sẻ.

Để xây dựng được Tổ tự quản vững mạnh, ông Chanh đã đến từng nhà vận động các cựu chiến binh tham gia. “Vào năm 2009, việc vận động bà con tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới rất khó khăn, vì việc này không khác gì “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên mọi người không hào hứng. Nhưng để phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, thôn ấp bình yên, tôi nhiều lần đến nhà vận động, phân tích để bà con hiểu việc tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới là giữ bình yên cho đất nước, xóm ấp, gia đình mình. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con hiểu rồi tích cực tham gia. Nhờ đó, 10 năm nay, Tổ tự quản do tôi phụ trách hoạt động có nền nếp, mỗi tháng đi tuần tra 1 lần, sau đó về họp rút kinh nghiệm. Nhờ triển khai tốt tổ tự quản đường biên, mốc giới, ấp Dinh Bà đã trở thành điểm sáng về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, người dân không vi phạm biên giới, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân từng bước nâng lên” - Ông Phạm Văn Chanh chia sẻ.

847l_9b
Ông Phạm Văn Chanh trao đổi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Ảnh: Viết Hà

Trên đường đi thăm mốc, ông Phạm Văn Chanh tâm sự: “Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mình không quản hi sinh, nay đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mình phải có trách nhiệm đóng góp công sức nhỏ bé bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn ấp”. Vừa kết thúc câu chuyện cũng là lúc tôi và ông đã đến mốc, con đường xuống mốc được ông Chanh thường xuyên dọn cỏ, phát quang nên thông thoáng, sạch sẽ.

Ông cho biết: “Về mùa mưa, cỏ mọc nhanh nên phải thường xuyên xịt thuốc để diệt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan ở cột mốc. Khi lũ về, ngoài việc cắm cờ làm dấu, ít ngày mình phải lội nước kiểm tra xem mốc có bị nước lũ làm xê dịch hay không, nếu không có việc gì, lúc đó mới yên tâm”.

Sau khi hoàn thành việc nhổ cỏ, ông Chánh dùng chổi quét sạch cát, lá cây ở phần chân mốc và lấy chiếc khăn đã chuẩn bị sẵn được giặt sạch sẽ để lau cột mốc tỉ mỉ, nhẹ nhàng như nâng niu báu vật quý giá. “Mỗi giây, mỗi phút chăm chút mốc giới, tôi thấy lòng thanh thản, tự hào vì đã góp một phần sức nhỏ bé vào việc xây dựng và bảo vệ đường biên, mốc giới thiêng liêng của Tổ quốc” - Ông Chanh chia sẻ. 

Thượng tá Lê Văn Lâm cho biết: “Tổ tự quản đường biên, mốc giới ấp Dinh Bà luôn là lá cờ đầu trong công tác tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh thôn ấp, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ đơn vị bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tuy hoạt động tự nguyện, không có chế độ phụ cấp, nhưng với uy tín của mình và sự tích cực vận động của ông Chanh, mọi tổ viên đều tích cực tham gia các hoạt động, xóa nhiều điểm “nóng” về an ninh trật tự tại đây. Dù đêm tối hay ngày mưa, hễ có yêu cầu là mọi người đều có mặt. Đây cũng chính là cánh tay nối dài giữa người dân với chính quyền, đơn vị trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”...

Viết Hà

Bình luận

ZALO