Biên phòng - Các nhạc cụ dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang ngày càng bị mai một, lãng quên, trong khi những người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ này còn lại rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi. Trong cộng đồng dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ama H’Loan là một trong những gương mặt tiêu biểu. Với lòng đam mê, muốn lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Ê Đê, NNƯT Ama H’Loan vẫn bền bỉ gìn giữ, quảng bá các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, ông còn tích cực truyền dạy âm nhạc cổ truyền và cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ.
Nghệ nhân hiếm hoi chế tác nhạc cụ truyền thống Ê Đê
NNƯT Ama H,Loan năm nay đã 81 tuổi, nhưng còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Nhìn ông biểu diễn nhạc cụ truyền thống từ tre, nứa, nghe người khác nói về ông và trò chuyện với ông, khiến tôi rất khâm phục. Tôi hiểu vì sao ông được ví là “cây đại thụ” hiếm hoi trong dòng nhạc truyền thống của người Ê Đê.
NNƯT Ama tỉnh sinh ra ở vùng Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Từ khi còn nhỏ, Ama H,Loan đã say mê tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng sáo trong những lễ hội của buôn làng. Trong ký ức của ông, những lễ hội truyền thống ở buôn làng khi dựng nhà rông, khi mừng lúa mới hay lễ trưởng thành, lễ bỏ mả, những đêm dài nghe kể khan... đều không thể vắng âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống. Cứ biết chỗ nào có lễ hội là ông đều đến xem. Các âm thanh của nhạc cụ cứ ngấm dần vào máu ông. Sau mỗi lần như vậy, ông lại về mày mò tự làm, tự học cách chế tác nhạc cụ. Hơn 10 tuổi, ông đã chế tác được những nhạc cụ tre nứa đầu tiên.
Ama H,Loan tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Thời chống Mỹ, từ năm 1960, Ama H,Loan tham gia làm giao liên, công tác dân vận, cầm súng chiến đấu suốt thời trai trẻ đến ngày đất nước thống nhất. Sau năm 1975, ông làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, sau đó, công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đến năm 2000 thì nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, Ama H,Loan mới có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống. Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, tiếng chiêng, đinh puốt, đinh năm... ngày nào rộn rã khắp buôn làng, nay chỉ còn lại trong ký ức. Lo sợ văn hóa dân tộc mai một, ông quyết tâm “hồi sinh” những nhạc cụ truyền thống nhằm lưu giữ văn hóa dân tộc Ê Đê.
Ama H,Loan đã lặn lội khắp các buôn làng, nghe người già mô tả lại các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng, nhạc cụ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung rồi ghi chép, học hỏi, làm theo. Sau những lần thất bại khi chế tạo nhạc cụ, ông vẫn không nản chí. Cuối cùng, ông cũng thành công khi biến những vật liệu có sẵn như tre, trúc, trái bầu khô, gỗ, sừng trâu... thành nhạc cụ, phát ra âm thanh quyến rũ người nghe. Bằng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo của ông, hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê như đing năm, đing puôt, đing klut, đing tăkta, kipăh, đàn t,rưng, ching kram... đều được chế tác thành công.
Lúc đầu, để hoàn thành một nhạc cụ có âm thanh chuẩn, ông phải làm đi làm lại nhiều lần. Khi đã làm quen, ông chỉ cần ước lượng bằng mắt và dùng tay để đo những vị trí cần khoan lỗ thoát âm hay thông hơi và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa làm nhạc cụ mà không cần đến thước. Trong quá trình chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ, nhận thấy có thể chỉnh sửa một chút khiến nhạc cụ hay hơn, Ama H,Loan còn “chế” lại một phần, giúp nhạc cụ nhìn vừa đẹp mắt, lại dễ sử dụng hơn, âm thanh hay hơn.
Ama H,Loan cũng sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu, nắm vững cấu trúc cũng như diễn xướng nhạc cụ truyền thống từ tre nứa đến cồng chiêng Ê Đê. Ông là một trong số nghệ nhân hiếm hoi ở Đắk Lắk giữ được bí quyết tạo ra thanh âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre trúc và cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên. Ông được Bảo tàng Đắk Lắk nhờ chỉnh chiêng, phục chế nhạc cụ và là người giới thiệu với du khách về các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Ê Đê. Ngoài ra, nhờ khả năng thẩm âm chính xác và đôi bàn tay khéo léo, ông đã được tín nhiệm sửa chữa, hoàn thiện nhiều bộ chiêng hỏng ở các buôn làng trong tỉnh Đắk Lắk.
Trăn trở nỗi lo mai một
Gần 20 năm qua, hầu như ngày nào Ama H,Loan cũng bận rộn với công việc chế tác các nhạc cụ của dân tộc Ê Đê. Ông không nhớ mình làm ra bao nhiêu sản phẩm, chỉ biết rằng, tháng nào cũng có người từ nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk đến đặt hàng ông làm đàn, các đoàn ca nhạc dân tộc, các đội văn nghệ dân gian ở các huyện, xã, buôn làng có nhu cầu biểu diễn nhạc cụ truyền thống... cũng tìm đến ông.
Gắn bó với các giai điệu của nhạc cụ dân tộc, Ama H,Loan còn là một nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc ở nhiều tỉnh, thành trong nước, biểu diễn thường xuyên ở Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Năm 2014, ông cùng một số nghệ nhân ở Đắk Lắk được mời sang Phần Lan biểu diễn trong chương trình Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo. Chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ nhất, để lại ấn tượng khó quên nhất trong tâm trí Ama H,Loan khi công chúng nước bạn tỏ ra ngạc nhiên, thán phục trước những nhạc cụ được ông biểu diễn và tự tay chế tác từ vật liệu tre, nứa lấy từ núi rừng Tây Nguyên.
Nói về nỗi lo mai một nghề chế tác nhạc cụ truyền thống, Ama H,Loan cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn 2 nghệ nhân nhạc cụ truyền thống, là ông và Ama Kim, cùng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Ama H,Loan vẫn luôn trăn trở khi tuổi già, sức yếu nhưng không có ai tiếp nối nghề chế tác nhạc cụ mà ông đã đam mê từ nhỏ. Nghệ nhân già cho biết: “Thế hệ trẻ bây giờ mê các loại nhạc cụ du nhập từ nước ngoài hơn là thích những nhạc cụ truyền thống của ông cha, người biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm hoi. Có người từ huyện xa phải lặn lội đem nhạc cụ hỏng lên Buôn Ma Thuột cho tôi sửa chữa. Tôi lo lắm vì giờ đây ở các buôn làng không còn mấy người biết chế tác, chỉnh sửa nhạc cụ nữa”.
Nghệ nhân Ama H,Loan đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy về nhạc cụ nhưng chưa đem lại hiệu quả cao. “Bây giờ, tìm được người có năng khiếu và đam mê chế tác nhạc cụ khó vô cùng. Tôi nay tuổi cao, sức yếu, chỉ mong có người kế thừa nhưng vẫn chưa tìm được”, nghệ nhân trải lòng. Với Ama H,Loan, các loại nhạc cụ truyền thống có giá trị rất lớn, bởi đó là hồn cốt, là bản sắc văn hóa lâu đời của người Ê Đê. Dù cho có phải mất nhiều thời gian tìm kiếm người chế tác nhạc cụ, ông vẫn nguyện dành cả tâm huyết với mong muốn tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại sẽ được gìn giữ, phát huy hơn nữa cho đời sau.
Thanh Thuận