Biên phòng - Giới chuyên gia chính trị, an ninh quốc tế nhìn nhận, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những trụ cột trọng yếu, mang sứ mệnh xây dựng chuẩn mực cho cấu trúc an ninh châu Á.
Sứ mệnh trọng yếu
Bình luận về sự xuất hiện của Hiệp ước Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) vào tháng trước, giới chuyên gia an ninh quốc tế cho rằng, cấu trúc an ninh châu Á có thêm 1 trụ cột mới, song hành với ASEAN và Đối thoại Bộ Tứ (QUAD) không chính thức giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Theo phân tích của Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson (Mỹ), 3 trụ cột này gánh vác những sứ mệnh khác nhau nhưng tổng thể sẽ cùng thiết lập cấu trúc an ninh cho châu Á.
Trong đó, ASEAN mang trọng trách xây dựng chuẩn mực, tạo ra nền tảng của hợp tác và ngoại giao toàn diện. ASEAN cũng là tổ chức lâu đời và có quy mô lớn với sự góp mặt của 10 quốc gia Đông Nam Á. Thực tế đã chứng minh, ASEAN là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và ngày càng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết nội khối, hợp tác tích cực với các đối tác ngoài khu vực. ASEAN đã liên tục minh chứng năng lực giải quyết các tranh chấp, tôn trọng chủ quyền, pháp quyền, thiết lập nền tảng hòa bình, tạo dựng các chuẩn mực cho khu vực. Đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại và thiết lập quan hệ hòa bình ở châu Á.
ASEAN như một cán cân quan trọng để giúp duy trì sự cân bằng quyền lực tại khu vực, nhất là trong thời kỳ trỗi dậy các chủ nghĩa siêu dân tộc, cạnh tranh quyền lực khu vực,… ASEAN không chỉ kiên định, quyết tâm cao trong việc thượng tôn các nguyên tắc chung và luật pháp và pháp luật quốc tế, mà còn cho thấy những cam kết mạnh mẽ. Trong ASEAN, sự hợp tác của một số nhóm nhỏ đã cho thấy hiệu quả trong việc củng cố các thể chế của ASEAN, khơi thông tình trạng tê liệt, thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Dẫu vậy, các nhà phân tích an ninh khu vực nhìn nhận, dù phát triển rất mạnh về năng lực trong những năm qua, song, ASEAN vẫn chưa hoàn toàn có đủ năng lực để chống chọi hiệu quả trước những mối đe dọa diễn biến phức tạp tại khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông. Chính vì vậy, bên cạnh trụ cột ASEAN vẫn sẽ phải có thêm những trụ cột khác để gánh vác các sứ mệnh trọng yếu.
Phân tích về trụ cột QUAD, giới chuyên gia mô tả tổng quan rằng, QUAD có thể góp sức vào việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở phạm vi rộng lớn, tháo gỡ các khúc mắc nổi lên tại khu vực, đặc biệt là thúc đẩy vận hành chuỗi cung ứng các mặt hàng công, điển hình trong giai đoạn hiện nay là vaccine Covid-19...
Trong khi đó, AUKUS ra đời dù còn non trẻ nhưng đã tạo ra nhiều kỳ vọng về phát triển công nghệ hiện đại trong lĩnh vực phòng thủ an ninh. Kết hợp với sức mạnh quân sự vốn có, AUKUS sẽ là “rào cản” để ngăn chặn xung đột vũ lực tại khu vực.
Sự thích ứng của chủ nghĩa đa phương
Trong 3 trụ cột này, giới chuyên gia đánh giá, QUAD là cán cân an ninh quan trọng nhất và đang ngày càng phát triển tại châu Á với mục tiêu căn bản là ngăn chặn những mưu đồ thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược của QUAD không hướng tới việc chống lại quốc gia nào mà nhằm thiết lập các nguyên tắc chung cho khu vực với mục tiêu duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và tìm ra những giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trên thực tế, QUAD chú trọng việc thiết lập các quy tắc và khắc phục những vấn đề nổi cộm. Điều này giúp các kế hoạch của QUAD thường được đánh giá là nhân văn, tạo ra môi trường tích cực để các chính phủ góp sức. Trong tuyên bố mới vào cuối tháng 9 vừa qua, các nhà lãnh đạo QUAD tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, thượng tôn luật pháp quốc tế, không ép buộc để củng cố an ninh và thịnh vượng.
Cơ chế QUAD không chỉ được đánh giá cao đối với an ninh trên biển mà còn các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận này của QUAD cho thấy tầm nhìn dài hơi cho khu vực trong việc xây dựng hòa bình, ổn định, thịnh vượng bền vững. Dù QUAD là cơ chế còn non trẻ và vẫn còn khá rụt rè, song, Nhóm “Bộ tứ” góp phần tích cực trong nỗ lực củng cố các thể chế ASEAN vốn sẵn có. QUAD cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng trở thành một biểu tượng cho tiềm năng phát triển quy tắc, giải pháp chung trong khu vực, tăng cường các quan hệ đối tác an ninh nhỏ hơn.
Đối với AUKUS, giới chuyên gia cho rằng, đây là một cơ chế “tiểu đa phương” với tham vọng hiện thực hóa các biện pháp phòng thủ, cung cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo để tăng cường năng lực thực chất cho khu vực. Dù sự ra đời của AUKUS ngay lập tức gặp phải phản ứng mạnh mẽ tại châu Âu, song, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, cơ chế này sẽ là trụ cột cân bằng quyền lực, nhất là với những cam kết sâu rộng về việc lấp đầy những “lỗ hổng” trong những khuôn khổ an ninh vốn còn nhiều hạn chế tại châu Á. Cùng với đó, quy cách hoạt động linh hoạt hơn các cơ chế hợp tác từng có trước đây có thể tạo sự thuận lợi để tăng cường năng lực răn đe quân sự.
Giới chuyên gia an ninh, chính trị nhìn nhận, AUKUS hay QUAD là những minh chứng rõ nét về xu hướng phát triển chủ nghĩa đa phương không theo thể thức tập trung vào các vấn đề cụ thể. Điều này như một bước phát triển mới của chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế kìm hãm hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, 2 cơ chế này có thể được xem là những biểu tượng cho cấu trúc an ninh mới của châu Á, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác song phương, ba bên... lẫn các thể chế đa phương với ASEAN là trung tâm.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, vai trò trung tâm của ASEAN là vô cùng quan trọng và mọi chiến lược quốc tế cần thiết phải coi trọng vai trò này để có thể phát triển. Vì vậy, thích ứng với những đòi hỏi của thời đại, các cơ chế an ninh mới sẽ lấy mục tiêu chủ lực là củng cố các thể chế của ASEAN, tạo lực đẩy để giải quyết những vấn đề gây nên tình trạng tê liệt, chậm trễ trong nỗ lực chung của khu vực, từng bước xây dựng tham vọng quốc tế về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tự do hàng hải và độc lập.
Thanh Trúc