Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Cầu nối giúp thổ cẩm Kỳ Sơn vươn ra thị trường

Biên phòng - Nhằm phát huy tiềm năng vốn có của nghề dệt thổ cẩm ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn được thành lập. Đây là cầu nối giúp sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái và Mông nơi đây đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

ckm9_10
HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh chú trọng đến đào tạo nghề cho chị em trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn.

Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An, có nghề dệt thổ cẩm và thêu ren truyền thống của người Thái và Mông. Nơi đây có 14 làng nghề dệt thổ cẩm được chính quyền huyện Kỳ Sơn công nhận. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở sản xuất như thêu ren Pàn Tầu của người Mông ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống... Chị em tại các làng nghề tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn cũng cho thu nhập bình quân 1,5-2,5 triệu đồng/người/ tháng.

Sản phẩm thổ cẩm được bán chủ yếu trong cộng đồng dân tộc Thái và Mông ở các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong. Các sản phẩm do người Thái ở bản Na và Xốp Thập (xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) làm được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, mỗi tháng đơn đặt hàng khoảng 250 sản phẩm.

Thổ cẩm của người Mông và Thái ở Kỳ Sơn còn là mặt hàng ưa chuộng ở thị trường Lào. Đặc biệt là, các mặt hàng thổ cẩm dệt thủ công truyền thống của người Thái được làm từ sợi tơ tằm, sợi cốt-tông, mặt vải dày dặn, mềm mại và bền. Thêm vào đó, trình độ tay nghề cao của chị em đã làm nên họa tiết hoa văn đẹp, độc đáo, phù hợp với văn hóa ở Lào. Thị trường Lào còn yêu thích các tấm váy thổ cẩm cũ, dệt từ tơ tằm, nó được xem như món đồ cổ có giá trị. Mỗi tháng, chị em ở Kỳ Sơn cung cấp sang thị trường Lào khoảng 1.000 sản phẩm thổ cẩm.

Tuy nghề dệt và thêu truyền thống ở Kỳ Sơn làm ra những sản phẩm độc đáo, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không theo định hướng nên chưa phát huy được tiềm năng. Các hộ và các tổ hoạt động đơn lẻ, dẫn đến việc bị ép giá, nguyên liệu đầu vào cao, giá đầu ra sản phẩm lại thấp. Bên cạnh đó, tình trạng không có người kiểm định kỹ thuật, chưa có gian hàng tập kết, giới thiệu sản phẩm và những khó khăn trong giao dịch với khách hàng... là những trở ngại của người sản xuất thổ cẩm. Việc marketing, quảng bá sản phẩm cũng còn hạn chế, nên cho dù người tiêu dùng cần hàng nhưng lại không biết mua ở đâu, còn người sản xuất thì bị tồn đọng sản phẩm và bị ép giá. Thêm vào đó, do chưa khảo sát thị trường, nên nhiều sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu, kích cỡ của khách hàng...

Trước thực trạng trên, nhóm 6 người, gồm: Chị Phan Thị Hồng Thơm, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn; chị Vi Thị Tình, Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Tà Cạ; chị Lê Thị Mai, Trưởng nhóm dệt bản Na; chị Nguyễn Thị Nhung và Vừ Y Ma, Trưởng nhóm thêu ren của người Mông được sự hỗ trợ của địa phương, đã thành lập HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh.

Chị Phan Thị Hồng Thơm cho biết: “HTX chính là pháp nhân đại diện cho người sản xuất thổ cẩm ở Kỳ Sơn đăng ký thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm và huy động nguồn vốn, đại diện giao dịch với khách hàng và các tổ chức khác, đồng thời thực hiện việc mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng hệ thống bán hàng, marketing và quản lý chất lượng sản phẩm, đào tạo nghề...”.

Chị Thơm cho biết thêm, từ khi HTX đi vào hoạt động đã tổ chức sản xuất được những sản phẩm thổ cẩm thiết kế ứng dụng như: Khăn quàng, túi, ví, tranh thêu... để cung cấp cho các điểm du lịch và những người yêu thích sản phẩm độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, không ít sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng, như: Thêu, dệt các dòng chữ lên sản phẩm cho khách hàng... HTX sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh còn cung ứng các loại sợi và dụng cụ để dệt thổ cẩm, thêu ren, nhằm giải quyết nhu cầu về lựa chọn nguyên liệu và mua nguyên liệu đầu vào của người sản xuất.

Quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, HTX còn tiến hành thăm dò ý kiến khách hàng, xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm, kết nối các hệ thống bán hàng online, offline, Website, mạng xã hội Facebook, Zalo... và đào tạo về kỹ thuật dệt thổ cẩm, cắt may các sản phẩm từ thổ cẩm và thêu ren, để tạo ra những sản phẩm thẩm mỹ và chất lượng, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO