Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 02:05 GMT+7

Cầu nối giữa hai lục địa Á - Phi

Biên phòng - Sau hai ngày thảo luận, Hội nghị Cấp cao Á-Phi (AAC) đã bế mạc ngày 23/4 tại thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a với việc thông qua 3 văn kiện quan trọng trong đó có cam kết củng cố Quan hệ Hợp tác Chiến lược Á-Phi mới (NAASP).

hoi-nghi-cap-cao-a-phi-nguon-reuters-01-
Lãnh đạo các nước dự Hội nghị Á-Phi. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô cho biết hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Thông điệp Ban-đung, Tuyên bố về củng cố NAASP và Tuyên bố về Pa-le-xtin. Lãnh đạo các nước cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ NAASP, coi đây là nền tảng và là cầu nối giữa các quốc gia ở châu Á và châu Phi.

Bên cạnh đó, các bên đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng hai năm/lần nhằm xây dựng định hướng cho chiến lược phát triển hợp tác Á-Phi, củng cố NAASP bằng việc áp dụng cơ chế chủ tịch luân phiên NAASP 4 năm/lần dựa trên Tuyên bố NAASP năm 2005. Các bên nhất trí rằng hợp tác hàng hải tiếp tục là một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác chiến lược Á-Phi mới.

Đoàn đại biểu các nước tham dự hội nghị cũng đã tập trung thảo luận các bước đi nhằm đảo bảo nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Á-Phi, trong đó có việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo khu vực đã kêu gọi tiếp tục nỗ lực cải cách Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có tái cơ cấu Đại hội đồng LHQ và cải cách toàn diện Hội đồng Bảo an LHQ. Cụ thể, việc cải cách LHQ sẽ mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển, trong khi việc cải tổ HĐBA sẽ tăng cường tiếng nói cũng như vị thế của châu Á và châu Phi trong các vấn đề quốc tế.

Hội nghị nhất trí lấy ngày 24/4 hàng năm là Ngày Á-Phi và Ban-đung là thủ đô của tình đoàn kết Á-Phi, thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, xã hội, học thuật, truyền thông, thanh niên và thể thao.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị lần này, tại cuộc gặp giữa đoàn đại biểu Ấn Độ với giới chức thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Ấn Độ Xu-sơ-ma Xoa-rai nhấn mạnh ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ. Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết Niu Đê-li sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong nỗ lực tập thể nhằm giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt, qua đó thiết lập hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á.

Bên lề hội nghị cũng đã có hàng loạt các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước, trong đó đáng chú ý là cuộc gặp kéo dài 25 phút giữa Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương vì sự ổn định của khu vực.

Theo Thủ tướng A-bê, kể từ cuộc gặp cấp cao hồi tháng 11/2014, quan hệ giữa Tô-ki-ô và Bắc Kinh “đang tiến triển theo hướng cải thiện”. Ông A-bê khẳng định hai bên "nhất trí về sự cần thiết  thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược cùng có lợi nhằm đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới". Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết thực thi nghiêm túc tinh thần của 4 tài liệu chính trị đã được hai bên nhất trí nhằm đảm bảo mối quan hệ song phương phát triển đúng hướng.

Hội nghị AAC năm nay, với chủ đề "Tăng cường hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới", là một phần trong các sự kiện liên quan đến Hội nghị Á-Phi diễn ra trong năm, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại biểu của khoảng 100 nước châu Á và châu Phi, 15 nước quan sát viên cùng 17 tổ chức quốc tế.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự các phiên họp toàn thể, tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương; dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Ban-đung.
Anh Tuấn

Bình luận

ZALO