Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Cầu dân sinh giúp người dân an toàn trong giao thông và xóa đói, giảm nghèo

Biên phòng - Thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 87 cầu dân sinh được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Những cây cầu được xây dựng đều ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Vì vậy, khi cầu được hoàn thành, nó tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản an toàn và góp phần thay đổi diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

Một chiếc cầu dân sinh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: CTV

Ông Y Krang Liêng Hót, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi (huyện Lắk) cho biết: Trước đây, cầu tạm vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn, chỉ có xe công nông nhỏ đi lại được. Tuy nhiên hiện nay, nhờ có cầu dân sinh các phương tiện lưu thông thỏa mái, thu mua nông sản, vận chuyển vật tư của người dân được dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Trên địa bàn xã Đắk Phơi được đầu tư xây dựng 2 cây cầu dân sinh. Nhờ có cầu mà người dân nơi đây được hưởng lợi rất lớn và thực sự hiệu quả. Cây cầu đã kết nối được khu dân cư với khu sản xuất, ruộng nương của bà con nên rất thuận lợi cho việc xe cộ, máy móc vận chuyển nông sản, vật tư. Nhờ vậy, bào con có điều kiện phát triển kinh tế, nhà nhà đều có tiền, đời sống người dân được nâng lên. Nhiều gia đình đã xây được nhà to, sắm thêm máy móc để phục vụ sản xuất.

Còn đối với gia đình anh anh Đinh Văn Song ở thôn 3, xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai thì mùa mưa lũ năm nay, anh và gia đình không còn phải vất vả vượt suối để đi làm rẫy mỗi ngày vì đã có cây cầu bê tông kiên cố, vững chãi bắc qua suối Đăk Pơ Pho. Gia đình anh có 1,3 ha đất sản xuất ở bên kia cầu. Mùa mưa, nước suối dâng cao chia cắt con đường duy nhất dẫn đến khu vực sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây. Có người liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà. Điều này rất nguy hiểm. Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản thường xuyên bị ùn ứ. Chỉ cần một cơn mưa, phải chờ 2-3 ngày khi nước rút bớt thì xe công nông mới có thể vượt suối. Giờ có cây cầu anh không còn lo sợ hiểm nguy rình rập, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trương Quang Giàu - Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ Pho khẳng định: “Cây cầu dân sinh đã đáp ứng mong đợi lâu nay của người dân. Từ khi có cây cầu, việc đi lại, vận chuyển nông sản được đảm bảo, cuộc sống của người dân trong xã dần ổn định. Công trình cũng tạo liên kết giữa các vùng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương”.

Còn tại xã Ia Khươi, huyện Chư Pah, Ông Kpah H’lot, một người dân ở làng Broch, xã Ia Khươi, cho biết: Trước đây, khi chưa có cầu dân sinh, chúng tôi huy động bà con đóng góp làm 1 cây cầu tạm bắc qua suối để đi lại. Do cầu bé, làm bằng tre nứa và gỗ chắp vá nên giao thông đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp xe máy chở nông sản bị rơi xuống suối, người suýt mất mạng.Nay có cầu dân sinh, nông sản làm ra của bà con chở được nhiều, nhanh hơn và cũng không còn lo sợ khi qua cầu như ngày trước. Có cầu con trẻ đến trường không cần phải lo mất an toàn khi không phải ngồi bè, mảng trong những ngày mưa lũ.

Cùng chung niềm hạnh phúc, người dân ở các xã Ea Uy, Vụ Bổn (Krông Pắk), Ea Ô, Cư Yang (Ea Kar), Ea Huar, Cuôr Knia, Ea Nuôi (Buôn Đôn), Đắk Phơi, Buôn Tría (huyện Lắk), Ya Trul, Khuê Ngọc Điền, Hòa Phong (huyện Krông Bông),… cũng không giấu được niềm vui sau khoảng 10 năm đi lại trên những chiếc cầu gỗ tạm bợ, gập ghềnh, nguy hiểm.

Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư-Xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk có địa hình độ dốc lớn nên các dòng sông, suối nước chảy xiết.Việc các cầu tạm bắt qua sông, suối rất nguy hiểm trong mùa mưa, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Hàng năm trong đợt mưa lũ các cây cầu tạm đều bị lũ cuốn trôi khiến việc vận chuyển nông sản, giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập. Dự án cầu dân sinh xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa điểm nghẽo giao thông nông thôn.

Dự án bắt đầu thi công xây dựng đầu năm 2018. Đến nay, dự án đã hoàn thành 84/97 hạng mục công trình, đạt 86% khối lượng. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mục tiêu của dự án xây dựng cầu, cống phục vụ đi lại sản xuất của nhân dân, kết nối giữa các thôn buôn, xã nhằm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hy vọng, những cây cầu dân sinh hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản an toàn, thuận lợi, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa vùng dân tộc ngày càng được nâng lên.

Hoàng Vân

Bình luận

ZALO