Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Câu chuyện Việt - Lào đong đầy trái tim người thầy giáo

Biên phòng - Từng có nhiều năm công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum trước khi trở thành giáo viên tiếng Lào tại Trường Trung cấp Biên phòng 1, bởi vậy mà Trung tá Bùi Tuấn Nam “sở hữu” vốn kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa không nhỏ về đất nước Triệu Voi. Những câu chuyện, tình cảm gắn bó ấy cũng là “nguồn tư liệu” để anh truyền cảm hứng cho các thế hệ học viên học tập tốt hơn và thấy đó cũng là trách nhiệm để tiếp tục duy trì, vun đắp mối quan hệ Việt-Lào anh em.

x9bk_10
Lưu học sinh Lào và sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Nhà lưu niệm truyền thống lưu học sinh Lào tại Trường Trung cấp Biên phòng 1. Ảnh: Tuấn Nam

Khi nhập ngũ vào Trung tâm Huấn luyện BĐBP (Tam Dương, Vĩnh Phúc), chàng thanh niên Bùi Tuấn Nam chưa có khái niệm về biên giới cho đến khi được biên chế về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum. Ở cửa khẩu, chàng lính trẻ Bùi Tuấn Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với những con người Lào hồn hậu, từ đó đã không ngại ngần “xung phong” đi học tiếng Lào tại Trường Văn hóa ngoại ngữ BĐBP và Học viện Khoa học Quân sự. Với động lực “có cơ hội hiểu hơn về người Lào”, Bùi Tuấn Nam luôn là một trong những học viên xuất sắc của lớp. 

Trong công tác, làm phiên dịch cho các cuộc hội đàm, giao lưu giữa Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum và lực lượng bảo vệ biên giới của bạn, Bùi Tuấn Nam luôn coi đây là cơ hội để hiểu hơn về lịch sử mối quan hệ Việt Nam-Lào cũng như sự gắn bó công tác với những người anh em đang ngày đêm cùng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Những lúc ấy, mọi người cùng nhắc lại câu chuyện vì sao người Lào gọi cửa khẩu từ Attapue sang Kon Tum là “Phu Cưa”. Câu chuyện vẫn cứ được kể đi kể lại để ai cũng phải nhớ rằng, cái tên Phu Cưa (có nghĩa là “Núi Muối”) được bắt nguồn từ câu chuyện về những người lính Việt Nam trong những năm đánh Mỹ. Khi ấy, với bà con người Việt cũng như người Lào ở vùng biên này, “muối quý hơn vàng”, bởi vậy, một trong những mặt hàng giúp người dân Lào của bộ đội Việt Nam không thể không có muối. Nhiều người lính Việt Nam đã hy sinh khi cõng muối vượt dốc, vượt núi mang cho bà con các bản làng giáp biên của huyện Phu Vông. Cái tên “Núi Muối”, dốc Muối như một sự ghi nhớ, biết ơn về những ân tình ấy của những người lính Việt Nam. 

Khi công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Trung tá Bùi Tuấn Nam gặp nhiều người lính từng chiến đấu vì nước bạn Lào quay trở lại Bờ Y với mong muốn được thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người có nguyện vọng được sang tỉnh Attapue, nhưng vì đường ngày ấy chưa thông nên chỉ có thể đứng trên dốc Muối nhìn về phía Tây, nơi ghi dấu những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi với lý tưởng cách mạng.

Biết Trung tá Bùi Tuấn Nam đã sang Attapue nhiều lần nên ai nấy đều muốn trò chuyện để hỏi thăm. Có người vui mừng khi anh nhắc đến đúng địa điểm, nhưng nhiều người không giấu được sự thất vọng khi không tìm được cái tên mình mong muốn mà quên mất rằng chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi, mọi thứ đã đổi khác. Từ đấy, mỗi lần có dịp đưa các đoàn công tác của Việt Nam sang làm việc tại Lào, Trung tá Bùi Tuấn Nam đều dành thời gian tìm hiểu, đến thăm những địa điểm liên quan đến quân tình nguyện. 

Cho đến giờ, anh vẫn không thể quên cảm xúc khi đứng trước Tượng đài đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam ở thị xã Samackhixay, tỉnh lỵ của Attapue (là một trong 4 tượng đài được xây dựng trên đất nước Lào nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ Việt Nam và Lào đã ngã xuống, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của hai đất nước, hai dân tộc). Những lúc như vậy, anh hiểu rằng, vì sao người Việt Nam nào khi đến Lào cũng được đón tiếp bằng thái độ nồng hậu như thế. Và những câu chuyện Việt-Lào ấy cứ đong đầy theo năm tháng. 

Trường Trung cấp Biên phòng 1 những năm 60, 70 của thế kỷ trước là nơi học tập của nhiều lưu học sinh Lào, trong số đó có nhiều người trở thành lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Năm 2012, Trường Trung cấp Biên phòng 1 khánh thành Nhà lưu niệm truyền thống lưu học sinh Lào trong khuôn viên của trường. Nhà trường đã đón nhiều đoàn cán bộ cấp cao, lưu học sinh, các bạn sinh viên Lào đang học tập, công tác tại Việt Nam đến thăm, giao lưu với cán bộ, học viên của nhà trường. 

Những năm trở lại đây, Trường Trung cấp Biên phòng 1 thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tiếng Lào cho cán bộ của Bộ Chỉ huy và các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Những giờ lên lớp là dịp Trung tá Bùi Tuấn Nam chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa cũng như những câu chuyện về tình đoàn kết anh em đặc biệt giữa hai nước. Điều mà Trung tá Bùi Tuấn Nam luôn cảm thấy vui, tự hào đó là các học viên của anh đều ý thức được việc học tiếng Lào để phục vụ công tác. Vậy nên nhiều học viên chỉ học 9 tháng, nhưng nhờ vào việc tự học từ thực tế công tác đã trở thành phiên dịch giỏi của đơn vị. Tình thầy trò thêm gắn bó bởi thường xuyên liên lạc trao đổi chuyên môn, hoặc đôi khi chỉ “kể chuyện Lào” để thầy giáo luôn nhớ về biên giới.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO