Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 06:30 GMT+7

Câu chuyện sống sót trở về từ biển của 4 ngư dân

Biên phòng - Biển nổi sóng sùng sục và 4 ngư dân căng mắt nhìn về 4 hướng để tìm ánh đèn của con tàu. Tám bàn tay bám chặt vào chiếc phao vuông và có lúc 3 ngư dân phải tóm tóc một người vì ngủ gục, sắp tuột tay và chìm xuống đáy biển. Sau 25 giờ trôi nổi, các ngư dân hét to, chỉ tay về phía chiếc tàu màu cam đang rẽ sóng tiến lại gần. Đó là câu chuyện sống sót trở về của các ngư dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Chiếc tàu BP 30-19-01 của BĐBP Quảng Trị trở thành ân nhân của họ.

nrx74p23bg-19251_f_k0944izo1_2_thm_hi_ng_dn
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị thăm hỏi ngư dân được cứu sống. Ảnh: Mạnh Hùng

Phút sinh tử

Tiếng nước bì bõm. Hơi thở gấp gáp của 4 ngư dân phả vào mặt nhau giữa cái lạnh cắt da. Nhưng cái lạnh thực sự và bao trùm, đó là biển đêm đen kịt và cả 4 con người đang trôi lênh đênh với nỗi tuyệt vọng. Trong đầu ai cũng nghĩ tới việc bao giờ thì chết? Bao giờ thì đuối sức và buông tay, rời chiếc phao vuông để chìm xuống đáy biển…?. Đó là những dòng hồi tưởng của 4 ngư dân sống sót trở về sau 25 giờ trôi nổi trên biển. Các ngư dân đều chia sẻ giống nhau: “Giờ phút đó chỉ mong nhìn thấy con tàu nào đi gần để mình kêu cứu”.

Trước đó, vào sáng 5-9, biển chưa ngớt sóng và trời đầy mây. Trong con mắt kinh nghiệm của người đi biển, mỗi khi sóng gió thì cá nổi, cá dính đầy lưới, kiếm được nhiều tiền. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng (SN 1990) quyết định nhổ neo, cho tàu NA 93010 TS rời Cảng Gianh (tỉnh Quảng Bình) ra biển đánh cá. Nếu đối với tàu đánh cá có thân vỏ dài trên 20m và công suất máy trên 150 mã lực thì đó là một quyết định đúng đắn. Nhưng đối với chiếc tàu nhỏ của ngư dân Nghệ An thì đó là một quyết định có phần mạo hiểm. Cuộc đời ngư dân, ranh giới giữa việc đánh được nhiều cá và gặp nguy hiểm đôi khi khá mong manh.

Khi tàu cá rời bến thì bị chao đảo và xoay ngang. Ngư dân Phan Huy Hoàng có nhiều kinh nghiệm đi biển nên lập tức lao lên nóc ca bin chuẩn bị phao. Anh Hoàng cho biết, nếu sử dụng phao tròn cá nhân khi ôm bơi trên biển thì sẽ rất nhanh rớt phao vì chiếc phao thường xuyên xoay tròn. Còn phao vuông có độ ổn định cao hơn, vì vậy, tất cả các tấm phao xốp có nẹp tre ở mặt dưới được cắt rời ra để chuẩn bị. Trên tàu cá có chàng ngư dân nhỏ tuổi nhất là Trần Văn Cường (16 tuổi). Khi con tàu rung lắc, cậu ngư dân nhỏ này bấu chặt tay vào thành ca bin và nhìn ra mặt biển với ánh mắt sợ hãi.

he61apdtif-19251_f_k0944iz00_1_ng_dn_nh_16_1
Ngư dân Phan Huy Hoàng cho biết, người vợ sắp cưới đang vui mừng đón anh ở gia đình. Ảnh: Văn Chương

Tàu mở biển lúc sóng gió, nếu máy tàu đẩy thân tàu chong thẳng mũi với sóng và hơi chếch góc thì thuyền trưởng kiểm soát được con tàu. Nhưng nếu mũi tàu cứ liên tục bị sóng đánh bạt, xoay trái, lắc phải thì có nghĩa là gặp nguy hiểm. Tàu cá NA 93010 TS vào giờ phút đó như một chiếc lá mỏng manh trước những ngọn sóng lớn cứ liên tục đổ ập vào thân tàu. Sóng đi thành từng đụn lớn và nối tiếp nhau không ngớt. Mọi thứ chỉ diễn ra trong tích tắc rồi chiếc tàu bị sóng đánh bạt sang một hướng, lắc be tàu múc nước tràn lên ca bin, đổ xuống hầm máy. Toàn bộ con tàu bị đánh lún xuống mặt biển.

Giữa sự sống, cái chết

Mặt nước biển lạnh toát, nhưng từ ngang ngực trở xuống thì nước rất ấm. Vậy nhưng mọi người đều có cảm giác lạnh toát khi gieo người xuống mặt nước. Một ngư dân biến mất ngay giờ phút con tàu chìm đắm. Thông thường, đó là những ngư dân quá sợ hãi, không dám chui ra khỏi ca bin nên khi tàu va lắc mạnh sẽ bị choáng bởi sự va đập. Khi con tàu chìm sẽ biến thành một lỗ đen và hút luôn nạn nhân xấu số xuống đáy biển.

Sau vài phút định thần lại và xua đuổi bớt nỗi hoảng sợ, 6 ngư dân quyết định nhường chiếc phao vuông lớn cho ngư dân lớn tuổi nhất đang muốn lả đi vì sợ hãi và sức khỏe yếu. Chiếc phao to vào giờ phút đó giống như vị thần hộ mệnh. Chẳng bao lâu, các ngư dân đã phải chứng kiến ngư dân xấu số này kiệt sức, lả đi và biến mất với chiếc phao to.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng tỏ vẻ là một ngư dân dày dạn kinh nghiệm và gan lỳ. Anh kể lại: "Tàu chìm nhưng không kịp điện vào bờ báo tin nên xác định có chết cũng phải có một người thông tin cho đất liền, vì vậy em quyết định tách ra, bơi về phía tàu vận tải”. Anh Thắng sải tay cố bơi nhưng khoảng cách giữa người bị nạn và chiếc tàu vận tải xa dần, vì nước chảy ngược. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, giữa biển sóng mù mịt, thần hộ mệnh tiếp tục xuất hiện - đó là con tàu vận tải LVAMONI đang hành trình hướng Nam ra Bắc.

Thuyền trưởng Thắng vẫy tay nhưng trên tàu không có dấu hiệu đáp lại. Mũi con tàu cứ đâm thẳng vào người của anh Thắng với tốc độ khoảng 8 hải lý/giờ. Anh Thắng bơi lách ra một bên và chờ khi ca bin con tàu đến ngang người thì hét to “Cứu người, cứu người chìm tàu…!”. Tiếng hét muốn vỡ lồng ngực. Vài giây sau, 1 khuôn mặt, sau đó hàng chục khuôn mặt nhanh chóng thò ra từ boong tàu. Con tàu vội vã đảo lái để khỏi hút người bị nạn vào chân vịt, sau đó dừng lại. Sau khi vớt người bị nạn, tàu LVAMONI quay lại 3 hải lý, nhưng bóng dáng 4 ngư dân ôm phao đã bặt tăm. Và vào giờ phút đó, thông tin về vụ tai nạn chính thức được chuyển đến các cơ quan chức năng.

n7a0mvsgiw-19251_f_k0944izv2_3_ng_dn_nh_16_2
BĐBP Quảng Trị bàn giao các nạn nhân cho BĐBP Quảng Bình. Ngư dân Trần Văn Cường (16 tuổi) vẫn còn bước tập tễnh, vì đạp nước suốt 25 giờ trên biển. Ảnh: Văn Chương

Câu chuyện chùm ngư dân trôi trên biển có chi tiết khá giống với vụ ngư dân Trần Minh Sang ở tỉnh Khánh Hòa bị rơi xuống biển trong một chuyến biển vào năm 2014, sau đó đã trôi nổi suốt 25 giờ trước khi được cứu. Đó là giữa màn đêm đen kịt, các ngư dân luôn dõi mắt tìm chấm sáng của con tàu. Ngư dân Phan Huy Hoàng nói giọng sụt sùi: “Thấy chấm sáng di chuyển, mình biết là con tàu nhưng mà bơi mãi, bơi mãi cũng không tới được”.

Chùm ngư dân 4 người cứ lần lượt cho chiếc phao vuông xoay vòng mỗi khi nhìn thấy có chấm sáng di chuyển phía đường chân trời. Sau nhiều lần đạp chân bơi đuổi theo bóng con tàu, các ngư dân quyết định hướng về nơi mà họ cho là đất liền. Vào giờ phút tuyệt vọng đó, tại làng chài nhỏ ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thân nhân của các ngư dân đã nhận được tin và khóc ngất. Bà Đồng Thị Lan, mẹ của anh Hoàng than thở, chuyện còn 1 tháng nữa là cưới vợ cho con, chẳng lẽ con bỏ ba mẹ đi biệt…!

Nhắm mắt là đắm

Cảm giác lúc lắc, đung đưa, chao đảo ngấm vào đầu những con người khốn khổ. Ngư dân Lê Văn Chiến cố gắng không để cảm giác buồn ngủ ập xuống. Vì ngủ thì buông tay, là chết. Nhưng Chiến thú thật, do mệt lả, nên đôi khi cũng nhắm mắt vài chục giây rồi lại mở ra. Mỗi lần mở mắt thì lại giật mình suy nghĩ “không biết mình trôi đi đâu, không biết tới sáng thì có còn sống hay không”. Sau này gặp lại con, bà Hà Thị Mỹ và ông Lê Văn Được là bố mẹ của Chiến cho biết, “Thấy trời bão mà nghe tin chìm tàu thì ai cũng xem như ngày hết số của con, nay con trở về thì quả là Trời, Phật có mắt”.

Sáng 6-9, cú điện thoại thông báo trực tiếp từ ngoài biển vào đất liền đã khiến cho làng chài ở Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nổi sóng: “Tàu BĐBP Quảng Trị đã vớt được 4 ngư dân”. Vậy là 4 ngư dân từ cõi chết trở về. Khi bước lên bờ, các ngư dân đều có bước chân cà nhắc vì họ đã biến đôi chân của mình thành chân vịt, đạp nước suốt 25 giờ để đẩy chiếc phao đuổi theo những con tàu với ánh mắt mong chờ.

4-tau-cn-09-tro-thanh-an-nhan
Tàu BP 30-19-01 của BĐBP Quảng Trị trở thành ân nhân của ngư dân. Ảnh: Văn Chương

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đón xe vào gặp gỡ bà con nhân dân. Các ngư dân được BĐBP Quảng Trị bàn giao cho BĐBP Quảng Bình để đưa ngư dân về quê. Bà con ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã ùa vào Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh để thăm hỏi và chúc mừng. Ông Phan Văn Minh, Chánh Văn phòng HĐND, UBND thị xã Ba Đồn đến thăm hỏi và tặng quà cho ngư dân...

Lúc trôi trên biển, các ngư dân đã phải nhai bèo trôi để lấy sức cầm cự. Một hộp sữa trôi dạt trở thành cao lương mỹ vị để 4 con người tội nghiệp chia nhau nhấm nháp từng giọt. Trong bữa cơm chiều, tôi hỏi các ngư dân: “Sau vụ tai nạn này thì liệu có chuyển nghề khác?”. Các ngư dân lắc đầu và nói: “Nghề nào cũng có cái rủi, chúng em về quê nghỉ ngơi rồi lại xuống tàu đi biển đánh cá”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO