Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 01:16 GMT+7

“Câu chuyện học tiếng Lào” của người lính Biên phòng Việt Nam

Biên phòng - Rất khó để có câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi “Học tiếng Lào để làm gì?”, nhưng chúng tôi đều có chung một mục đích đến là để công việc tốt hơn. Và tiếng Lào cho chúng tôi cơ hội giao lưu, hiểu biết, đặc biệt là có thêm những người anh em, đồng chí không cùng quốc tịch vẫn ngày ngày kề vai sát cánh cùng xây dựng, bảo vệ hơn 2.000km đường biên giới suốt từ Điện Biên/Phong Sa Lỳ đến Kon Tum/Attapeu…

57wi_22
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Đồn Biên phòng Ra Mai, Cà Xèng (BĐBP Quảng Bình, Việt Nam) hội đàm với Đại đội bảo vệ biên giới 311, 312 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, Lào). Ảnh: Trúc Hà

Lần thứ nhất đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào, tôi vô cùng ấn tượng với Phó Đại đội trưởng Sổm Xay Xay Na Mét Thi Lạt bởi khả năng nói tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ và việc đón tiếp nồng hậu, thân thiết như người nhà của anh. Lần thứ 2 ghé thăm Đại đội bảo vệ biên giới 511 cũng của tỉnh Sê Kông, Thiếu tá Si Sa Vanh, Chính trị viên phó đại đội hay cô gái bán căng tin của đơn vị đều không biết tiếng Việt, nhưng dành tình cảm nồng hậu và tặng tôi những món quà đặc trưng của đất nước Lào. Trước những con người Lào hiền hậu, tốt bụng và những tình cảm đầy chân thành của họ, tôi tự hứa, lần sau trở lại nhất định sẽ nói được thứ ngôn ngữ của những người anh em ở biên giới này.

Thiếu tá Bùi Tuấn Nam, giáo viên tiếng Lào, Khoa Ngoại ngữ-Tin học, Trường Trung cấp Biên phòng 1 - người đã giúp biết bao cán bộ Biên phòng có “phương tiện” để “vượt dãy Trường Sơn” nhận anh em, bạn bè. Dù chưa gặp mặt, nhưng thấy “lí do chính đáng để học tiếng Lào”, thầy đã gửi giáo trình để tôi tự nghiên cứu và dặn, chỗ nào không hiểu hãy gọi điện hỏi.

Trước khi trở thành giáo viên, Thiếu tá Bùi Tuấn Nam có thời gian công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum. Những câu chuyện “ngày còn ở với bạn Lào” của thầy trở thành niềm vui, động lực cho các thế hệ học viên thêm quyết tâm chinh phục những mặt chữ “rồng bay phượng múa”, “trăm chữ như một” để một ngày nào đó cũng được như thầy. Với sự giúp đỡ của thầy Nam, tôi  tự học tiếng Lào theo giáo trình, chỉ 2 tháng sau, tôi đã có thể đọc, viết tiếng Lào. Riêng “phần nghe”, thầy giáo bảo “tranh thủ rèn kỹ năng giao tiếp với bạn Lào khi đi biên giới”.

Từ khi “dắt lưng” được chút vốn tiếng Lào, tôi tự tin và chủ động tìm hiểu những đề tài liên quan đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước. Tôi nhớ mãi bữa giao lưu với Công an huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị. Cán bộ, sĩ quan Công an Lào ai cũng hỏi: “Em học tiếng Lào ở Viêng Chăn hay Pạc Sê?”. Khi biết tôi tự học, ai cũng bắt tay tôi thật chặt vì “tình cảm của em dành cho đất nước Lào chúng tôi”. Điệu múa lăm vông cũng vì thế mà uyển chuyển, dịu dàng và không muốn dứt.

Cùng đi có Thiếu tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Thiếu tá Hồ Lê Luận là người Pa Cô ở Quảng Trị. Hiếu học nên mới 34 tuổi, Luận đã là Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế. Khi biết có thể tự học tiếng Lào qua giáo trình của Trường Trung cấp Biên phòng 1, Thiếu tá Hồ Lê Luận đã rất mừng. Và trước khi lên đường ra Học viện Chính trị học 2 năm, Luận đã in tài liệu giáo trình học tiếng Lào để “khổ luyện” với mong muốn, khi trở lại công tác, có thể “cùng nói chung một thứ tiếng với các bạn Lào anh em”.

Đường biên giới qua địa phận tỉnh Quảng Nam hoàn toàn tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, Lào. Điều đặc biệt là cư dân sát biên giới của 2 bên đều là một trong các dân tộc Tà Tiềng hay Giẻ Triêng hoặc Cơ Tu và có quan hệ huyết thống, thân tộc. Có một điều khiến rất nhiều người xúc động khi đến thăm các bản làng của Lào sát biên giới với Quảng Nam là trong nhiều gia đình, bên cạnh bức ảnh của Chủ tịch Cay Xỏn Phôn Vi Hẳn là ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hoạch định biên giới, nhiều người Việt Nam mang quốc tịch Lào, bởi vậy, rất nhiều gia đình còn lưu giữ được giấy chứng nhận, Huân chương Kháng chiến do Chính phủ Việt Nam cấp vì đã có đóng góp cho cách mạng. Những lý do ấy khiến Đại úy Zơ Râm Xiết, Đồn Biên phòng Gary, BĐBP Quảng Nam rất vui khi có tên trong danh sách học tiếng Lào tại Trường Trung cấp Biên phòng 1, vì “có nhiều cơ hội hơn để hiểu về những người anh em bên kia biên giới”.

Mặc dù học xong, Đại úy Zơ Râm Xiết được bố trí làm Chính trị viên Đại đội Huấn luyện BĐBP tỉnh. Hỏi có sợ quên không khi mà ngoại ngữ dễ mai một nếu không sử dụng thường xuyên, Đại úy Xiết cho biết: “Hàng ngày vẫn dành thời gian xem lại giáo trình đã học, vẫn thường xuyên liên lạc với thầy giáo, bạn học. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam và các lực lượng chức năng của tỉnh đối diện (Sê Kông) cũng thường xuyên tổ chức hội đàm, giao lưu. Đó là cơ hội để sử dụng những điều mình đã học”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO