Biên phòng - Di tích lịch sử Cầu ngói Thanh Toàn nằm trong một khu vực đầm phá rộng lớn ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa có nét văn hóa cổ kính nghiêm cẩn của kinh kỳ, vừa mang đậm dấu ấn văn hóa từ tính cách khoáng đạt của ngư dân ven biển. Festival tinh hoa nghề Việt 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở rộng vùng lễ hội đến làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy và đưa nơi này thành điểm đến thú vị dành cho du khách và người dân địa phương.
Cầu ngói Thanh Toàn hiện nay là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao, là di tích lịch sử được xây dựng từ thế kỉ 16 (năm 1776) do một phu nhân quan lại thời vua Lê Hiển Tông giúp tiền cho làng Thanh Toàn xây dựng. Cầu được xây dựng với mục đích để người làng đi qua kênh dễ dàng, khách thập phương qua lại có chỗ nghỉ chân nên toàn bộ cầu làm bằng gỗ quý, lợp ngói lưu ly và có bệ ngồi nghỉ chân.
Hiện nay, trên cầu vẫn còn bàn thờ bà Trần Thị Đạo là người có công xây cầu. Điều thú vị là gần 3 thế kỷ nay, cây cầu vẫn luôn là nhịp nối, là bóng mát, là cái ngõ hứng gió trong lành cho người dân và du khách thập phương qua đây.
Là một hạng mục của Festival Huế 2019, cầu ngói Thanh Toàn và khu vực xung quanh được dựng thành một tổ hợp gồm có di tích cầu ngói, chợ Thanh Toàn bán đặc sản vùng quê, triển lãm nông cụ, trình diễn ẩm thực, giới thiệu nông sản, trình diễn đọc thơ, thi chèo thuyền, bơi lội.
Đặc sắc nhất là toàn bộ khu vực cầu ngói Thanh Toàn được chính người dân ở đây đứng ra tổ chức quản lý, hoạt động theo mô hình du lịch cộng đồng. Điều này tránh được sự chung chung hình thức và xa lạ với nếp sống của những lễ hội kiểu hành chính Nhà nước. Người dân được vui đúng nghĩa ngày hội và du khách đến đây cũng được chung vui cùng với họ.
Ông Trần Minh, 60 tuổi người đã gắn bó với làng Thanh Thủy Chánh và ở bên cây cầu lịch sử này từ khi sinh ra. Ông nói, mỗi thanh gỗ cầu chỗ nào cứ sẫm dần, sứt mẻ gì ông đều biết hết. Cây gòn ngay bên cầu cứ mỗi mùa bung bông là gòn trắng xóa, bay lả tả trắng hết cả mặt kênh, đầy trên mái ngói lưu ly. Thỉnh thoảng, ông rảnh lại ra đây dạy lũ trẻ bơi và chèo thuyền.
Như hôm nay, chúng tôi may mắn được ở bến nước này, nghe ông kể câu chuyện cuộc đời mình, nghe nỗi thăng trầm của cây cầu ngói đặc biệt và xem ông cùng lũ trẻ bơi thuyền. Thấy bọn trẻ còn rất nhỏ nhưng đã biết kỹ thuật chèo thuyền, đua, tăng tốc khiến chiếc thuyền gỗ lướt trên mặt nước như một mũi tên và đặc biệt là lướt qua dưới cầu, lựa giữa các trụ cầu mà không va vào chân cầu rất khéo, tôi hỏi, mới được biết là do chúng được người già trong làng huấn luyện.
Cứ thế, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác bên cây cầu đặc biệt. Chính những nét văn hóa của đời sống đó là sự hấp dẫn bản địa bên di sản, là mục tiêu hướng tới của mỗi sự vinh danh di sản nhằm mục đích di sản phục vụ lại cộng đồng có công gìn giữ di sản đó.
Trải qua gần 3 thế kỷ, cầu ngói Thanh Toàn nhiều lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân địa phương đều chung tay tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó. Gần đây nhất, năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đầu tư dự án bảo tồn tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn với kinh phí 13 tỉ đồng.
Đặc biệt, kể từ khi cầu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1990 thì số lượng khách du lịch đến trực tiếp nhìn ngắm cây cầu này ngày càng tăng, mỗi ngày có gần 200 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế đến tham quan. Mùa Festival năm nay, khách du lịch đến địa điểm này tăng cao, tạo nên không khí náo nhiệt, đầy tính chất lễ hội trên đất cố đô.
Mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng tại xã Thủy Thanh, địa phương chủ sở hữu cây cầu ngói Thanh Toàn không phải là mô hình mới lạ, bởi người dân ở đây đã coi cây cầu như ruột thịt của mình. Cây cầu gắn với không gian của làng Thanh Thủy Chánh gồm nhà thờ họ, đình chùa, nhà vườn đặc sắc về kiến trúc và bài trí kiểu Huế.
Chỉ cách cây cầu ngói 5km là đình làng Vân Thê, nhà thờ Tôn Thất Thuyết, một chí sĩ cách mạng có tên tuổi gắn liền với Huế. Và quần thể di tích cầu ngói Thanh Toàn cũng không thể tách rời với khối lượng khổng lồ các di tích đền đài lăng tẩm của Cố đô Huế trong công cuộc gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Dự án du lịch cộng đồng này đang được dần chuyên nghiệp hóa với mục đích khai thác tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa vùng nông thôn xã Thủy Thanh, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đó giúp phát triển du lịch, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lấy ngành dịch vụ làm trọng tâm. Quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, giải quyết vấn đề lao động và mang lại thu nhập tốt cho mỗi người dân ở vùng di tích đặc biệt này.
Trương Thúy Hằng