Biên phòng - Đường đến trường của các cô, cậu học trò nghèo gập ghềnh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thế nhưng các em vẫn luôn nở những nụ cười tươi, chăm chỉ hằng ngày bước từng đôi chân trần đến lớp. Mặc dù cuộc sống còn nghèo khổ, song trong đôi mắt, nụ cười những em nhỏ nơi đây vẫn luôn toát lên niềm vui và tinh thần lạc quan đến lạ thường… Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến xã biên giới Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế trong những ngày đầu năm 2019.
Xã Hồng Vân là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Pa Cô - Vân Kiều. Cuộc sống của bà con ở đây còn khó khăn, vất vả, cái ăn chưa đủ, cái mặc chưa ấm nên ước mơ được cắp sách đến trường và con đường tìm đến cái chữ của các em học sinh vô vàn khó khăn. Điều đáng quý là trên miền biên giới hẻo lánh này vẫn có những người ngày đêm chung tay “gieo” chữ, giúp đỡ các em học sinh nghèo thực hiện ước mơ được đến trường. Họ chính là những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm canh giữ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở xã biên giới Hồng Vân còn rất nhiều em nhỏ điều kiện gia đình khó khăn, có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng. Trong hoàn cảnh đó, Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp nhiều em nhỏ ở đây thực hiện được ước mơ tới trường.
Theo chân Đại úy Cao Quốc Giảng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế, chúng tôi tới thăm gia đình em Hồ Văn Náp trong một buổi sáng sớm sương còn chưa tan trên những cành cây, ngọn cỏ. Căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình em nằm bên triền núi. Bước vào trong nhà, chúng tôi thấy có vỏn vẹn vài vật dụng ít ỏi chỉ đủ phục vụ cuộc sống hằng ngày. Tuy đơn sơ vậy nhưng điều ngạc nhiên là mọi thứ trong ngôi nhà được sắp xếp hết sức ngăn nắp. Náp bước ra từ căn bếp xập xệ đón chúng tôi vào nhà. Em có vóc dáng gầy nhỏ với nước da đen nhẻm sạm nắng, gió miền Tây A Lưới. Chúng tôi ấn tượng ở em với đôi mắt sáng và giọng nói dứt khoát như chính tính cách con người Pa Cô.

Gia đình Náp thuộc diện đặc biệt khó khăn ở xã Hồng Vân. Bố em bị tật nguyền bẩm sinh, mẹ bị bệnh nặng, còn chị gái thì bị bệnh ung thư. Như một lẽ tự nhiên, năm lên 14 tuổi, Náp đã trở thành lao động chính trong gia đình.
Hằng ngày, ngoài giờ đến lớp học, em phải đi làm nương rẫy, vào rừng hái măng để nuôi sống gia đình. Cuộc sống quá khốn khó tạo ra nhiều trở ngại cho bước đường đến trường của Náp.
Có lúc tưởng chừng như mọi cánh cửa đã khép lại, thế nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP cộng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Náp đã vững bước trên con đường đến trường. Năm nay, em đang học lớp 12, Trường Trung học phổ thông Hồng Vân.
Cảm động trước sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của Tư lệnh BĐBP, Náp đã viết một bức thư cảm ơn gửi tới Trung tướng Hoàng Xuân Chiến. Trong thư, em viết: “Ai cũng có ước mơ của riêng mình và cháu cũng có ước mơ, nhưng để thực hiện ước mơ đó lại là một thách thức rất lớn đối với cháu. Cháu rất may mắn và biết ơn bác đã hỗ trợ giúp đỡ cháu thực hiện ước mơ. Là một người con sinh ra tại vùng biên giới, ngay từ khi vào lớp 1, cháu đã ước mơ trở thành người lính mang quân hàm xanh, được đeo súng trên vai để bảo vệ Tổ quốc”. Đáp lại những tình cảm, sự hỗ trợ của bác và các chú BĐBP, trong 3 năm liên tục, Náp đều đạt học sinh giỏi, là đoàn viên gương mẫu của trường.
Cũng tại xã Hồng Vân, em Trần Thị Giãnh, 11 tuổi đang được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhận đỡ đầu. Hoàn cảnh gia đình Giãnh có phần giống với gia đình Náp vì bố ốm nặng, mẹ bị bệnh thần kinh. Việc học của Giãnh có lẽ cũng sẽ “đứt gánh giữa đường” nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Hằng tháng, ngoài hỗ trợ 500.000 đồng, những người lính Biên phòng còn tới tận trường hỏi thăm động viên Giãnh cố gắng hơn trong học tập. Dịp lễ, Tết, các anh xuống tận nhà tặng quà, tặng gạo, hỗ trợ gia đình những nhu yếu phẩm khác.
Không chỉ tại huyện miền núi A Lưới mà tại các vùng biển nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế, các chiến sĩ BĐBP cũng đã và đang tích cực cùng với địa phương góp một phần công sức vào sự nghiệp trồng người. Đã thành thông lệ, cứ thứ 7 hằng tuần, tranh thủ những ngày nghỉ, Trung úy Nguyễn Trọng Tâm, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vinh Xuân lại ghé thăm nhà của em Nguyễn Thị Khiết Bông tại xã Vinh An để động viên em. Bông không biết mặt người đã sinh thành ra mình, bởi bố mẹ em bỏ đi từ lúc em mới sinh ra. Bông lớn lên bằng những bó rau, tình thương của bà ngoại và bà con chòm xóm. Và ước mơ được cắp sách đến trường của em đã được những người lính mang quân hàm xanh chung tay biến thành hiện thực.
Những suất quà được các cán bộ, chiến sĩ BĐBP trao tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không chỉ là nguồn động viên to lớn, mà còn là nghĩa cử cao đẹp, góp phần thắt chặt tình quân dân trên tuyến biên giới, biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” đến nay, BĐBP Thừa Thiên Huế đã nhận đỡ đầu cho hơn 85 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới, mỗi suất hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng, được trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Riêng Trung tướng Hoàng Xuân Chiến trực tiếp nhận hỗ trợ đỡ đầu cho 10 học sinh tại huyện miền núi A Lưới và 2 bản Ka Lô, Sê Sáp của nước bạn Lào”.
Nguyễn Dực