Biên phòng - 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mang lại hòa bình, độc lập, thống nhất hai miền Nam Bắc, non sông thu về một mối. Đằng sau chiến thắng lẫy lừng ấy, những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi may mắn được gặp đã kể lại những câu chuyện về sự anh dũng, mưu trí, sáng tạo của bộ đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Và câu chuyện 2 chiếc xe tăng của một người anh hùng là một trong số những câu chuyện thú vị đó.

Người anh hùng ấy chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, người đã dùng chính chiếc xe tăng M48 mang số hiệu 034 của địch để đánh lại địch. Ông Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, quê ở xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 9-1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, ông mang quân hàm Thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 273 (nay là Lữ đoàn 273). Trong trận đánh vào thị xã Cheo Reo ngày 16-3-1975 (đơn vị hành chính cũ của tỉnh Gia Lai), ông đã lấy xe tăng địch đánh địch, góp phần tích cực cùng bộ binh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7 (bây giờ là Quốc lộ 25 chạy xuống thị xã Phú Yên). Trong trận này, ông Hưởng đã diệt 10 xe vận tải và 2 xe tăng của địch.
Ngày 1-4-1975, ông Hưởng chỉ huy đơn vị xe tăng thiết giáp hiệp đồng cùng bộ binh tiến vào giải phóng thị xã Tuy Hòa, sau đó, phát triển giải phóng thị trấn Tuy An, sân bay Đông Tác (Phú Yên). Bản thân ông đã bắn 4 quả pháo đánh tan một trận địa pháo 105mm gồm 4 khẩu. Cũng trong trận này, ông Hưởng cùng kíp xe tăng đã bắn cháy 1 tàu chiến và một xuồng chiến đấu của địch tại cửa biển Tuy Hòa.
Tại Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp, hiện trưng bày 2 chiếc xe tăng đã lập công xuất sắc trong trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10 và 11-3-1975; tiếp đó là trận đánh vào Sài Gòn ngày 29 và 30-4-1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó chính là chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 980 và chiếc xe tăng M48 của Mỹ - ngụy, mang số hiệu 034. Điều đặc biệt, cả 2 chiếc xe tăng này đều do một người chỉ huy, đó là Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng.
Trong trận Buôn Ma Thuột, xe tăng 980 của Đại đội 9 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy được giao nhiệm vụ cùng bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 đánh vào mục tiêu quan trọng nhất là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là mục tiêu địch phòng thủ rất vững chắc. Suốt 2 ngày chiến đấu, mặc dù bộ binh và máy bay địch ngăn chặn quyết liệt, kíp xe tăng 980 vẫn kiên cường chiến đấu, cùng bộ binh tiêu diệt nhiều mục tiêu địch, đánh chiếm làm chủ khu gia binh, khu truyền tin, khu quân y, khu vận tải, Bộ Tham mưu ngụy.
Ngày 11-3-1975, sau khi tiêu diệt các ổ đề kháng của địch trên trục đường 423 (nay là đường Mai Hắc Đế), bắn cháy 1 xe bọc thép M113 ngay trước cổng chính Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của địch, xe tăng 980 là xe tăng đầu tiên cùng bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 vượt qua cổng chính đánh thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Sau đó, tiếp tục đánh chiếm ngã 5 rồi ngã 6, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Chiếc xe tăng này hiện được dựng ở tượng đài chiến thắng ở thành phố Buôn Ma Thuột (dạng mô hình), còn chiếc xe tăng M48 mang số hiệu 034 là chiếc xe tăng ta thu được của địch trong trận truy kích địch rút chạy trên đường 7 vào tháng 3-1975. Mặc dù là xe tăng mới thu được của địch, các tính năng kỹ thuật còn chưa hiểu biết nhiều, nhưng với ý chí quyết tâm chiến thắng cao, xe tăng 034 cùng kíp lái xe đã dũng mãnh xông trận, cùng bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm thị trấn Củng Sơn, giải phóng Phú Yên. Riêng xe tăng 034 đã tiêu diệt một trận địa pháo 105mm của địch ở núi Nhạn Tháp, tỉnh Phú Yên, bắn chìm một tàu chiến địch trên sông Đà Rằng.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hưởng chỉ huy đại đội xe tăng thiết giáp trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến vào nội đô Sài Gòn. Đêm 28-4-1975, xe tăng 034 cùng 3 xe tăng 021, 023, 035 nhận lệnh lên chi viện gấp cho cánh quân Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đang đánh cầu Bông. Không có bộ binh đi cùng, lại đi trong đêm qua nhiều đồn bốt địch, bất chấp hiểm nguy, xe tăng 034 cùng 3 xe tăng 021, 023 và 035 vẫn tiếp tục xung trận. Cuối cùng, đội xe tăng này đã tiêu diệt và đánh tan nhiều cụm quân địch ngăn cản trên đường suốt từ Củ Chi tới cầu Bông, hỗ trợ kịp thời bộ binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 giữ vững cầu Bông.
Ông Nguyễn Đình Thi, cựu binh Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 nhớ lại: “Trận cầu Bông rất khốc liệt, nếu không có sự mưu trí, anh dũng của đơn vị xe tăng do anh Hưởng chỉ huy thì không biết ta sẽ bị tổn thất lớn thế nào, khi phát hiện đoàn xe tăng, xe bọc thép địch gồm 23 chiếc từ Hậu Nghĩa chạy về. Tuy lực lượng xe tăng địch đông tới gấp 6 lần mình, nhưng đơn vị xe tăng ta không sợ nguy hiểm, xe tăng 034 đã cùng 3 xe tăng 021, 023 và 035 vẫn xông vào tấn công, tiêu diệt toàn bộ đoàn xe tăng, xe bọc thép của địch. Riêng xe 034 của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã bắn cháy 4 xe tăng, xe bọc thép địch, sau đó, tiếp tục cùng xe tăng 021, 023, 035 phát triển tấn công về nội đô Sài Gòn”.

Sáng ngày 29-4-1975, trên đường tiến về Sài Gòn, đội hình 4 xe tăng do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy gặp đoàn xe tăng, thiết giáp và vận tải gồm 24 chiếc của địch đang rút chạy. Mặc dù lực lượng không cân sức, nhưng với bản lĩnh chiến trường và lòng quả cảm, phân đội xe tăng do ông chỉ huy sau ít phút chiến đấu đã tiêu diệt 12 chiếc, 12 chiếc còn lại chạy tán loạn, bị sa lầy và bị bắt sống.
Đến khoảng 13 giờ 30 phút, xe tăng 034 đã vào tới ngã ba Bà Quẹo (ngoại thành Sài Gòn), đây là chiếc xe tăng của ta có mặt tại nội đô Sài Gòn sớm nhất trong ngày 29-4-1975. Sự có mặt của xe tăng 034 cùng các xe tăng của Đại đội 9 đã góp phần cùng cánh quân của Quân đoàn 3 đập tan cánh cửa thép của địch ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn dù, sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy, góp phần đánh tan những đề kháng còn lại của chế độ tay sai của Mỹ, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng cùng đồng đội của mình đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ để cùng nhau chứng kiến thời khắc lịch sử, thời khắc của đất nước hòa bình, non sông thu về một mối.
Kim Nhượng (Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi)