Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ

Biên phòng - Ngày 18-10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017 ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định mới, công chức, viên chức không bắt buộc phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học kể từ ngày 10-12-2021.

Theo Bộ Nội vụ, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003. Đến nay, số lượng chứng chỉ bắt buộc đã lên tới hơn 200 chứng chỉ. Dù hệ thống này đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng của một bộ phận đội ngũ công chức, viên chức, nhưng mặt trái, gánh nặng của nó dường như ngày càng lớn hơn, nhất là tình trạng mua bằng, mua chứng chỉ.

Chính vì thế, nghị định mới được dư luận hưởng ứng và tán đồng với đề xuất của Bộ Nội vụ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đề xuất của Bộ Nội vụ không chỉ là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn là sự thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo tính toán, việc cắt giảm những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó chưa kể tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp khi đi học.

Ngoài việc không bắt buộc phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cũng góp phần giảm đi những tiêu cực trong việc học, việc thi. Đơn cử, nếu một người làm việc ở vị trí không cần đến trình độ tiếng Anh B2, B1 nhưng vẫn bắt họ đi học sẽ dẫn đến hậu quả mua văn bằng chứng chỉ hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ giả. Quy định mới sẽ làm giảm những hệ quả tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các chuyên gia lưu ý, việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ mà đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Việc này cũng không có nghĩa là không thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức nữa và càng không có nghĩa là các công chức không cần phải học, mà họ cần phải tự học tập để có năng lực. Tùy yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan sử dụng trong thực tế vẫn phải có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, sát hạch chất lượng đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn là điều kiện bắt buộc để đăng ký thi và nâng ngạch.

Rõ ràng, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là bảo đảm giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng không trùng lắp về nội dung và phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Thay vì việc đòi hỏi phải có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia thì trong chương trình của đại học, cao học, tiến sĩ phải chuẩn hóa đào tạo tin học, ngoại ngữ và xác định là một chương trình chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ có những giải pháp đột phá về cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới đào tạo theo kiến thức kỹ năng, vị trí việc làm, khung năng lực đề ra. Những việc này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO