Biên phòng - Được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thường niên (APCI) được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh.
Thế nên, APCI 2020 mới được công bố nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, khi phân tích chân thực về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện 9 nhóm TTHC gồm: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.
Một lần nữa dư luận không bất ngờ khi nhóm thủ tục về môi trường “ngốn” nhiều chi phí của doanh nghiệp nhất; trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ và chi phí hơn 63,3 triệu đồng để hoàn thiện các thủ tục. Tiếp đến là nhóm TTHC về xây dựng, doanh nghiệp cũng phải chi tới hơn 25,2 triệu đồng và bỏ ra 21,2 giờ để thực hiện các thủ tục sao chụp, chứng thực hồ sơ, đóng các loại phí và một phần chi phí không chính thức.
Trong khi đó, nhóm thủ tục về thuế được đánh giá là tốn ít chi phí nhất, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra khoảng 247.000 đồng để thực hiện các TTHC về thuế...
Văn phòng Chính phủ khẳng định, APCI 2020 phản ánh trung thực những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc; cải thiện môi trường kinh doanh tăng 1,2 điểm.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp về chất lượng môi trường kinh doanh (đứng thứ 5 trong ASEAN) và năng lực cạnh tranh (đứng thứ 7 trong ASEAN).
Nhiều chuyên gia chỉ ra, chi phí không chính thức đang thực sự là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp. Chi phí này không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Tín hiệu lạc quan từ Báo cáo APCI 2020 là còn nhiều cơ hội cải cách TTHC để giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa đối mặt với các vấn đề phát sinh từ đại dịch Covid-19.
Ngoài giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức, “dư địa” trong cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC còn rất lớn trong hoàn thiện bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy và các yếu tố về thể chế để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Để cải thiện vấn đề này, quan điểm của nhiều chuyên gia là việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành.
Thực tế, thành công từ việc giảm 66% chi phí cho việc thực hiện một TTHC trong nhóm thuế có được nhờ vào việc áp dụng mô hình thủ tục thuế điện tử với 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Rõ ràng, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực cải cách TTHC mạnh mẽ và có những đột phá thực sự để hoàn thành mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch sẽ tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh và tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.
Thanh Thảo