Biên phòng - Trong cuộc họp khẩn Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra vào cuối tuần trước, giải pháp ngoại giao tiếp tục được nhấn mạnh là “con đường” duy nhất cần sự cam kết của các bên liên quan nhằm đảm bảo an ninh châu Âu, cũng như trật tự quốc tế.

Ảnh: Reuters
Cuộc họp khẩn của G7 diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức theo đề xuất của Đức - nước Chủ tịch luân phiên G7. Cuộc họp diễn ra với sự tham dự của Ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh.
Sau cuộc họp khẩn này, các nước đưa ra Tuyên bố chung nhấn mạnh quan ngại sâu sắc về diễn biến leo thang căng thẳng quân sự xung quanh Ukraine. Đồng thời đánh giá, tình hình xung quanh biên giới Ukraine đang có những diễn biến quân sự lớn nhất trên lục địa châu Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Những diễn biến này là thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu và trật tự quốc tế.
Đáng chú ý, Tuyên bố của G7 kêu gọi các bên lựa chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế, bao gồm giảm thiểu rủi ro và minh bạch hóa các hoạt động quân sự. Các nước G7 cũng nhấn mạnh cam kết của mình đối với việc theo đuổi đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, như an ninh châu Âu, giảm thiểu rủi ro, minh bạch, xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí. Các Ngoại trưởng G7 cũng nhắc lại cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay và kêu gọi đối thoại thông qua Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ - Nga, Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Những ngày qua, các giám sát viên quốc tế thuộc OSCE cho biết, chiến tuyến đầy biến động giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về các vi phạm lệnh ngừng bắn. Hàng trăm vụ tấn công bằng pháo và súng cối đã được báo cáo trong những ngày gần đây. Đặc biệt, cuối tuần trước đã có 1.500 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở Donetsk và Lugansk chỉ trong một ngày. Mặt khác, phiến quân đã tuyên bố tổng động viên trong khi sơ tán phụ nữ và trẻ em sang nước láng giềng.
Truyền thông quốc tế dẫn các phân tích, đánh giá từ giới chuyên gia cho biết, các lực lượng nổi dậy ở Ukraine được xem là “nguồn cơn” dẫn đến những diễn biến leo thang căng thẳng quân sự dọc biên giới Ukraine. Trong khi đó, truyền thông phương Tây cáo buộc, những động thái làm leo thang căng thẳng trong thời gian qua có thể là kịch bản được dàn dựng nhằm “kiếm cớ” chiến tranh tại khu vực nhạy cảm này. Chính quyền Ukraine và các nước phương Tây cho rằng, đang có những âm mưu xâm lược Ukraine, trong khi phe nổi dậy cáo buộc chính quyền Ukraine lên kế hoạch tấn công để chiếm lại các khu vực được xem là có quyền tự trị.
Theo giới quan sát khu vực, nguy cơ chiến tranh đang ở “lằn ranh đỏ” và các nước G7 cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đang đề cao tình đoàn kết với Ukraine nhằm tăng cường nền dân chủ và thể chế, cũng như khuyến khích những tiến bộ hơn trong cải cách của quốc gia này. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để giúp duy trì sự ổn định về an ninh, chính trị và kinh tế của Ukraine cũng như cuộc sống của người dân.
Giới chuyên gia an ninh châu Âu đánh giá, mọi mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia đều đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó có trật tự hòa bình và an ninh của châu Âu. Cùng với đó, bất kỳ hành động quân sự tiêu cực nào trong thời gian tới cũng sẽ gây ra những hậu quả to lớn, bao gồm các biện pháp trừng phạt chưa từng có, tạo ra những bất ổn nghiêm trọng đối với châu Âu và lan rộng ra toàn cầu.
Thanh Trúc