Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Cập nhật thông tin về bão số 9: Bão đã vào bờ, thiệt hại trên diện rộng

Biên phòng - Trưa 28-10, thông tin từ Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương cho biết, bão số 9 đã đổ bộ vào bờ. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Biên phòng thường trú tại các địa phương, sức ảnh hưởng của bão số 9 đã gây thiệt hại trên diện rộng ở nhiều nơi.

Tại Khánh Hoà: Thông tin từ Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hòa cho biết vừa liên lạc được với tàu cá BĐ 98658 TS do ông Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1983, trú tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ. Hiện tại, tàu và 14 thuyền viên đang ở vùng an toàn.

Trước đó, tàu cá BĐ 98658 TS, khi nhận được tin tàu BĐ 96388 TS gặp nạn đã chạy tới ứng cứu. Tuy nhiên, chưa tìm thấy 12 thuyền viên trên tàu, thì khoảng 7 giờ sáng nay 28-10, tàu cá BĐ 98658 TS mất liên lạc. BĐBP Khánh Hoà đã chỉ đạo đài canh liên lạc nhưng không thành công.

Qua phiên liên lạc, ông Toàn cho biết, hiện tại tàu và 14 thuyền viên đều bình an, khỏe mạnh, tàu không cần hỗ trợ và đang trên hải trình trở về đất liền.

Tại Phú Yên: Đến thời điểm hiện tại (15h40, 28/10), mưa đã dứt, trời đã bớt gió nhưng tại một số địa bàn ven biển gió vẫn còn giật mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Biên phòng, do ảnh hưởng của mưa lớn và gió bão mạnh quần đảo liên tục hơn 10 giờ qua, tại các địa bàn Thị xã Sông Cầu, Thị xã Đông hòa, Thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt vì trụ điện ngã đổ, cây xanh bật gốc chắn ngang đường. Nhiều tấm biển quảng cáo, mái tôn bị tốc, gió thổi bay khắp nơi.

Theo thống kê thiệt hại ban đầu, tại Thị xã Sông Cầu, bão số 9 đã làm hư hỏng 31 căn nhà, trong đó có một căn nhà bị sập hoàn toàn. Bão đã làm hơn 170 đìa nuôi thủy sản bị thiệt hại, trong đó, có 52 đìa cá mú, 21 ha đìa tôm sú, 12 ha đìa tôm thẻ chân trắng bị vỡ, mất trắng. Bão đã đánh chìm hai thuyền đánh cá loại nhỏ. Đến trưa 28-10, bão đã làm mất điện 51 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, tình hình thiệt hại của bão số 9 gây ra ở Phú Yên không nghiêm trọng, đây là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong công tác chủ động ứng phó. “Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các cấp chính quyền, các lực lượng và người dân Phú Yên rất tích cực, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đã triển khai quyết liệt các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, nhờ đó đã giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra”- ông Trần Hữu Thế khẳng định.

Hiện, các đơn vị BĐBP Phú Yên đã triển khai lực lượng về địa bàn, giúp địa phương khắc phục sự cố do bão, sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, dọp dẹp vệ sinh, khắc phục các sự cố khác để người dân sớm trở lại sinh hoạt bình thường, khôi phục lại sản xuất.

Thiếu tá Nguyễn Thái Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Hòa cho biết, địa bàn có nhiều cây xanh ngã đổ chắn các lối đi làm ách tắc các ngã đường liên thôn, liên xã, cán bộ chiến sỹ đơn vị đang tập trung lực lượng cùng với địa phương cưa, chặt các cành cây, thu dọn giải phóng các con đường, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải chia sẻ thông tin: Do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn các xã ven biển thuộc huyện Tuy An có 53 nhà và 3 trường mầm non bị tốc mái che. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị đang hành quân về địa bàn xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, giúp dân sửa chữa lại nhà cửa và lợp mái nhà của trường mẫu giáo nơi đây.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 25-10, trong lúc đi đánh cá trên biển, thuyền của ông Đặng Lượng (SN 1985, ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) bị sóng lớn đánh chìm khiến ông Lượng tử vong. Thi thể của ông Lượng đã được lực lượng chức năng tìm thấy đưa về gia đình mai táng.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên cùng các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Ảnh: Quốc Cường
Mái tôn của trường mẫu giáo ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị sập do bão. Ảnh: Quốc Cường.
Cán bộ, chiến si Đồn Biên phòng An Hải tham gia dọn đường có cây xanh gãy đổ. Ảnh: Phương Oanh

Tại Bình Định: Thông tin ghi nhận được, bão số 9 đã làm toàn tỉnh bị mất điện. Thành phố Quy Nhơn có 2 căn nhà của người dân bị tốc mái và 1 nhà sập. Tại thị xã An Nhơn, có 2 người bị thương. Hiện có 2 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang trôi dạt trên biển với 26 thuyền viên; đã có 10 người bị thương, 558 ngôi nhà bị tốc mái.

Lãnh đạo tỉnh Bình Đinh thăm người dân đang trú tránh tại nơi an toàn. Ảnh: CTV

Tại Quảng Nam: Lúc 14h, 2 ngư dân bị mắc kẹt trên chiếc thuyền câu mực chìm khi đang tránh trú bão tại địa bàn xã Tam Quang đã được giải cứu thành công. Đến 14h, nhiều hộ dân vẫn liên lạc đến UBND huyện đề nghị hỗ trợ do nhà cửa bị gió thổi tốc mái. Hiện tại, gió đã bắt đầu đổi chiều, quật trở lại sau 30 phút lặng gió.

Gió lớn đã khiến rất nhiều nhà dân ở huyện miền núi Bắc Trà My và các địa phương ven biển như huyện Thăng Bình, Núi Thành, TP Tam Kỳ bị tốc mái. Nhiều cây xanh bị ngã đổ tràn lan. Trong khi đó, dù chính quyền địa phương liên tục đưa ra cảnh báo nhưng vẫn có cả trăm ngư dân bất chấp nguy hiểm, ở trên các con tàu cá khi bão vào.

Cây xanh đổ rạp trên Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV

Tại Quảng Ngãi: Lãnh đạo huyện Lý Sơn cho biết, bão số 9 đã khiến nhiều ngôi nhà của người dân trên đảo bị tốc mái.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 300 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán, di dời 24.819 với 97.010 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên, gió bão quần thảo mạnh nhất từ khoảng 10-13h. Hiện tuy gió đã giảm nhưng vẫn còn mạnh. Theo dự báo gió vẫn còn đến chiều, hoàn lưu bão sẽ gây mưa to.

Nhiều nhà dân ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, tốc mái - Ảnh: CTV

Tại Phú Yên: Liên tục có mưa to, gió mạnh khiến nhiều cây xanh ở thành phố Tuy Hòa ngã đổ, bật gốc; nhiều mái tôn, biển bảng quảng cáo, lều bạt bị gió bão thổi bay. Sức ảnh hưởng của bão đã làm hư hỏng nhiều công trình cấp điện, khiến toàn tỉnh bị mất điện.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chỉ đạo lực lượng ứng trực tại chỗ xử lý sự cố cây đổ trên khu vực thôn Long Thủy, xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

Tại Bình Thuận: Tàu BTh 620 TS của ngư dân ở xã Phước Thể, neo đậu tại bến Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, do không chấp hành khuyến cáo di chuyển vào nơi neo đậu an toàn đã bị sóng đánh chìm vào sáng 28-10. Rất may, không thiệt hại về người.

Tại Quảng Ngãi: Theo báo cáo mới nhất, tại Quảng Ngãi đã có 2 người chết. Một trong số đó là nạn nhân là anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1981, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành). Anh Hiệp bị ngã chết vào chiều ngày 27/10 khi đang chằng chống nhà để ứng phó với bão lũ.

Liên quan đến công tác ứng cứu ngư dân trên biển, khoảng 8h30 sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gọi điện cho thượng tá Ngô Đức Dũng, thuyền trưởng tàu kiểm ngư đang tham gia tìm kiếm, cứu hộ tàu của Bình Định gặp sự cố.

Hiện 2 tàu kiểm ngư đang đi ngược hướng bão để tìm kiếm, cứu hộ các thuyền viên mất tích trên 2 tàu của Bình Định bị chìm.

- Tại Phú Yên, lúc 9 giờ 30 phút ngày 28-7, mưa giảm nhưng gió tiếp tục giật liên hồi. Đai tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, tình hình các địa bàn hiện tại ổn định, chưa xảy ra thiệt hại. Từng đơn vị cơ sở BĐBP Phú Yên trực 100% quân số và tổ chức lực lượng ứng trực cắm chốt theo dọc các địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu để bảo vệ và hỗ trợ dân. Lực lượng cơ động của Bộ chỉ huy đã sẵn sàng, sẽ hành quân lên đường khi các địa phương có yêu cầu hỗ trợ.

Thượng úy Trần Phước Tài, Đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô cho biết, 9 giờ sáng, tại Bãi Ngà thuộc vịnh Vũng Rô, phát hiện một số hộ nuôi trồng thủy sản trốn lực lượng chức năng, mang thức ăn ra vùng nuôi, cho tôm ăn, tổ tuần tra đơn vị đã kiên quyết ngăn chặn, đưa dân quay vào bờ. “Vịnh Vũng Rô là vùng nuôi trồng thủy sản lớn với 283 bè, gần 14 ngàn lồng. Mỗi bè nuôi là cả gia tài của gia đình nên người dân cố sức bảo vệ. Mặc khác bà con thường có tâm lý chủ quan, lại lo sợ tôm đói lạnh sẽ chết, thấy bớt gió họ sẽ liều lĩnh ra bè ngay. Vậy nên anh em sẽ thường xuyên tuần tra, cắm chốt ứng trực, bảo vệ an toàn cho dân cho đến khi bão tan”- Thượng úy Tài nói.

Lúc 10 giờ 28-10, Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, chính trị viên Đồn Biên phòng An Hải cho biết, tại khu vực thôn Phú hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy an, địa bàn đơn vị quản lý, hiện sóng biển dâng cao, đơn vị đang triển khai lực lượng 35 cán bộ chiến sỹ cùng với nhân dân địa phương và các lực lượng đắp bao cát, ngăn để sóng không khoét sâu vào khu dân cư, đánh sập nhà dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Vũng Rô kiên quyết không cho người ra lại vùng nuôi thủy sản khi bão chưa tan. Ảnh: Phước Tài

- Tại Đà Nẵng, chấp hành chủ trương của chính quyền địa phương, người dân gần như tuyệt đối không ra khỏi nhà. Trong đêm 27-10, các quận, huyện thành phố Đà Nẵng đã sơ tán trên 90.161 người dân đến nơi trú bão an toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Biên phòng, thời điểm hiện tại (9h 30), trên các tuyến đường sát với bờ biển gió rít liên hồi. Để đảm bảo an toàn, quận Sơn Trà đã tổ chức sơ tán hàng chục nghìn người dân đến nơi an toàn như trung như trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Hiện nay, BĐBP Đà Nẵng đang duy trì tối đa quân số tại các địa bàn đã sơ tán dân để bảo vệ tài sản cho nhân dân. Cùng với đó, các đơn vị đã cử cán bộ, quân y bám sát các địa điểm tránh trú bão để động viên, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong tình huống cần thiết.

Đường phố Đà Nẵng không một bóng người. Ảnh: Viết Lam
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân đang sinh hoạt tại các điểm tránh trú bão. Ảnh: Viết Lam

- Tại Quảng Ngãi, lúc 8h00 sáng 28-10, sóng biển liên tục ập vào làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Nhiều người dân cho rằng, chưa bao giờ gặp một cơn bão lớn và sóng biển dâng cao như vậy. Sóng đã tấn công nhiều ngôi nhà, nhiều người dân đã phải tháo chạy.

Anh Bùi Thanh Sơn, nhà ở thôn Phước Thiện bị sóng đánh bay ngôi nhà, toàn bộ tài sản mất trắng. Ảnh: Văn Chương
Sóng biển lớn một cách bất thường tấn công nhiều ngôi nhà, tiến sâu vào đất liền, cắt đứt tuyến đường từ trong thôn ra khu vực neo thúng đánh cá. Ước tính khoảng 100 chiếc thúng đã bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Văn Chương
Nhiều người dân chỉ vớt vát được một ít đồ đạc rồi rời nhà đi lên Đồn Biên phòng Bình Hải tránh bão. Ảnh: Văn Chương

- Tại Quảng Nam, sáng 28 - 10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam.

Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam đã báo cáo nhanh công tác triển khai và giúp dân phòng chống bão số 9. Theo đó, trong những ngày qua, BĐBP Quảng Nam đã kêu gọi 1.264 phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn, phối hợp với địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu 2.150 tàu thuyền và 348 lồng bè. Đồng thời, yêu cầu người dân đến 17 giờ ngày 27-10 phải rời khỏi tàu và lồng bè về nơi trú bão an toàn.

Riêng các tàu đang hoạt động ở khu vực Trường Sa cũng đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão số 9 và đã vào tránh trú an toàn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

BĐBP Quảng Nam đã dốc toàn lực điều động gần 400 lượt cán bộ chiến sĩ trên hai tuyến giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, kéo hơn 200 phương tiện tại khu vực bãi ngang vào bờ trú, tránh, kêu gọi 35 tàu vận tải neo đậu tại đảo Cù Lao Chàm di chuyển khỏi khu vực đến các vị trí an toàn. Tổ chức di dời, sơ tán hơn 4000 hộ dân/16.146 khẩu ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Bảo đảm nơi ăn ở, thực phẩm để tiếp nhận khoảng 1.500 người dân vào tránh trú bão tại các Đồn Biên phòng và cơ quan Bộ Chỉ huy.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đến thăm hỏi bà con trú bão tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam. Ảnh: Văn Vinh

- Tại Đà Nẵng, từ tối 27-10 đến 7 giờ 30 sáng nay, trời có mưa, nhiều đợt gió giật. Công tác di dời dân được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện rốt ráo. Hiện TP Đà Nẵng đã di dời được 20.178 hộ với hơn 91.200 người.

Sáng 28-10, Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, BĐBP Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động giúp nhân dân trên địa bàn phòng, chống bão số 9. Đến thời điểm này, mọi công tác phòng, chống bão số 9 cơ bản đã hoàn tất.

Theo đó, ĐBBP Đà Nẵng thực hiện trực 100% quân số từ 18h ngayg 26-10, sử dụng 20 tàu, xuồng và 15 ô tô tham gia, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, trong đó, Hải đội 2 BĐBP Đà Nẵng đang bố trí 2 tàu, 18 cán bộ, chiến sĩ trực tại cửa sông Hàn để sẵn sàng ứng cứu các tàu, thuyền bị đứt neo, trôi ra biển. Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng cũng chi viện 1 ca nô, 1 xe cẩu cùng 4 cán bộ cho Ban Chỉ huy phòng chống, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang. Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng thành lập các Tổ công động từ 20-25 đồng chí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cơ động khi có lệnh.

Chiều và tối qua, các Đồn Biên phòng Hải Vân, Phú Lộc, Sơn Trà, Non Nước và Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, đến các địa bàn xung yếu ven biển để tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

- Tại Quảng Ngãi: Lúc 5 giờ 30 sáng 28-10, thông tin trực tiếp từ Lý Sơn cho biết gió bắt đầu xuất hiện ở Lý Sơn từ 22 giờ tối qua rồi mạnh dần. Đến 5 giờ sáng nay, bão đạt cấp 15 giật 15 khiến nhiều nhà dân tốc mái, cây cối ngã đổ, sóng biển cao trên 6m.

Trong khi đó, đến 5 giờ cùng ngày, bão số 9 áp sát bờ, gây ra những đợt gió mạnh liên hồi ở tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi nhận lúc 5 giờ sáng 28-10m khu vực TP Quảng Ngãi có gió mạnh liên tục. Đặc biệt, tại các xã bãi ngang, ven biển đã xuất hiện những cơn gió giật cực mạnh, kèm theo tiếng rít, sấm chớp, mưa lớn trên diện rộng… Nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ngãi đã cúp điện.

Sóng lớn lừng lững ập vào bờ, cộng với mưa bắt đầu nặng hạt từ lúc 6 giờ sáng. Ảnh: Văn Chương

- Tại Quảng Nam, theo dự báo sẽ có gió bão mạnh dần lên cấp 8 - cấp 10, giật cấp 12. Các địa phương ven biển (từ TP Hội An đến huyện Núi Thành) có gió bão mạnh cấp 11 - cấp 13, giật cấp 15.

Vùng biển Quảng Nam: Có mưa bão và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Gió bão mạnh cấp 9 - cấp 11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15. Sóng biển cao 6 – 8 m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 ở cấp 4.

- Tại Bình Định, lúc 5 giờ sáng 28-7, tại khu vực nội thành Quy Nhơn, mưa bắt đầu nhỏ hạt so với trước đó nhưng gió lại mạnh hơn rất nhiều. Tiếng gió rú, rít dài, giật từng hồi xuất hiện ngày càng dài và cường độ mạnh hơn. Tại một số khu dân cư đã xuất hiện tôn bị tốc mái, bay nhiều nơi.

Trên đường phố không một bóng người; nhiều tấm pa nô, bảng hiệu quảng cáo đã bị thổi bay hoặc xé toạc; một số cây cối không chịu được gió mạnh đã bật gốc. Trước đó, khoảng 1 giờ cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cúp điện trên diện rộng.

Nhóm PV Miền Trung

Bình luận

ZALO