Biên phòng - Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cao Bằng có 69 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống, tập trung ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Hà Quảng.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác triển khai thực hiện Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn có những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên, đa dạng hóa nội dung, hình thức nhưng việc thay đổi nhận thức của đồng bào cần phải có thời gian, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra do phong tục, tập quán, quan niệm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân còn lạc hậu, nhận thức về các quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình còn hạn chế; kinh tế - xã hội phát triển chậm; cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là giao thông đi lại khó khăn, ít có điều kiện giao lưu, tiếp cận với nhiều địa bàn lân cận;…
Được biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 5 hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các trường học; lắp đặt 18 pa nô tuyên truyền; xây dựng kế hoạch triển khai in ấn tờ rơi tuyên truyền.
Các huyện cũng đã tổ chức được 8 hội nghị tuyên truyền với 513 đại biểu tham dự. Hiện nay, đã tổ chức được 32 buổi ngoại khóa giáo dục truyền thông, tư vấn cho 2.650 học sinh tại 32 trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh về phòng, chống tảo hôn, nhân nhân cận huyết thống.
Cẩm Linh