Biên phòng - Trong năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách nhằm khích lệ và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.

Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 1.500 người có uy tín thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, đảm nhận các cương vị khác nhau trong xã hội như bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng dòng họ, doanh nhân, thầy mo, thầy cúng, chức sắc tôn giáo.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, hiện có dân số trên 53 vạn người, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 95%, với 35 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở với nhân dân trong công tác vận động, tuyên truyền; tích cực vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào tại địa phương; xây dựng tình đoàn kết dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn sinh sống.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện cấp gần 360.000 tờ báo các loại cho người có uy tín, đồng thời tổ chức 6 cuộc cung cấp thông tin thời sự cho 839 đại biểu Người có uy tín. Cơ quan dân tộc các huyện, thành phố kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các trường hợp người có uy tín bị ốm đau, bệnh tật.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng đã tổ chức biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín huyện Bảo Lạc, Hà Quảng; 8 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có người có uy tín.
Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng đã tổ chức lớp tập huấn về đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Có thể thấy, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được các cấp, các ngành tỉnh Cao Bằng quan tâm chỉ đạo, được quần chúng nhân dân triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát. Kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo.
Hệ thống các chính sách về công tác dân tộc đã được Trung ương, tỉnh và các địa phương ban hành khá đầu đủ và được triển khai thực hiện khá toàn diện. Các văn bản, thông tư hướng dẫn được ban hành tương đối kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.
Thu Hằng