Biên phòng - Cao Bằng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai chủ trương đưa cán bộ BĐBP về tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới và cho đến nay vẫn là tỉnh thực hiện thành công, có hiệu quả nhất công tác này. Suốt 15 năm qua, thực tiễn công tác của đội ngũ cán bộ tăng cường đã khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong việc củng cố xây dựng khu vực biên giới. Toàn bộ các lãnh đạo xã, thị trấn, huyện biên giới của Cao Bằng đều bày tỏ nguyện vọng muốn BĐBP tiếp tục duy trì chủ trương này trong những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh khó khăn bậc nhất của vùng núi phía Bắc này.
|
Cán bộ tăng cường xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh) và bà con trên địa bàn. |
Từ khi Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/1998 về tăng cường phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã biên giới, Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra Chỉ thị về việc tăng cường cán bộ quân sự tham gia xây dựng cơ sở, đội ngũ cán bộ BĐBP được điều động tăng cường có mặt hầu khắp các xã biên giới của Cao Bằng từ Hòa An, Hà Quảng, Hạ Lang, Trùng Khánh cho tới Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường xã có 10 đồng chí là huyện ủy viên tham gia Ban chấp hành Đảng bộ huyện và phần lớn đều là những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, có tư chất lãnh đạo chỉ huy và thấu hiểu tập quán, phong tục của đồng bào địa phương. Đại tá Phùng Quốc Tuấn, Chính ủy BĐBP Cao Bằng khẳng định: "Chúng tôi điều động cán bộ để làm công bộc cho dân, làm cầu nối giữa BĐBP và đồng bào các dân tộc ở biên giới. Vậy phải là người đủ đức, đủ tài mới đạt yêu cầu".
Tính đến nay, BĐBP Cao Bằng đã điều động 76 lượt cán bộ BĐBP tăng cường cho 46 xã, thị trấn biên giới, trong đó, 34 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy chính quyền địa phương. Huyện Hà Quảng nằm trong số 30 huyện nghèo nhất nước, hiện có 3 đồn Biên phòng đứng chân trên các địa bàn Sóc Hà, Lũng Nặm, Tổng Cọt thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có rất nhiều xã hiện chưa có đường vào và cán bộ BĐBP được chuyển sinh hoạt Đảng về thôn xóm biên giới đều phải đi bộ mất cả ngày vào thôn để sinh hoạt Đảng.
Nhưng ở những nơi khó khăn nhất lại là những mảnh đất để cán bộ BĐBP phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo, bản lĩnh công tác. Tại xã Cải Viên của huyện Hà Quảng trong vùng lục khu nổi tiếng khó khăn gian khổ này, chúng tôi chứng kiến Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Tuấn Anh, một cán bộ BĐBP với thâm niên 17 năm quân ngũ, trong đó, phần lớn thời gian anh cắm bản cùng bà con và hiện là Phó Chủ tịch xã Cải Viên, trong một cuộc họp dân để mở rộng đường dân sinh trong xóm, làm đường bê tông tới tận ruộng nương và bàn bạc chuyển hướng cây trồng vật nuôi trong mùa vụ tới.
Cuộc họp dân gồm những gương mặt chăm chú, nghiêm ngắn và căng thẳng bởi đây sẽ là những quyết sách liên quan tới cuộc sống, tới quyền lợi nhãn tiền của mỗi người dân trong thôn. Thiếu tá Tuấn Anh kiên nhẫn giải thích, bằng cả kiến thức mà mình có, bằng tấm lòng gắn bó, muốn vùng quê này bứt lên mà anh đã thuyết phục được bà con một lòng theo chính quyền. "Những cuộc họp dân thế này trước đây chả ai thèm tới" - Một bà mẹ Nùng trong cuộc họp nói.
Người dân ở đây đã xóa bỏ nếp nghĩ cũ thờ ơ với công việc của chính quyền địa phương, thói quen suy nghĩ bảo sao làm vậy, mà đã có phản hồi, có đóng góp ý kiến và cả sức dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới mà BĐBP và địa phương đang dốc sức thực hiện.
|
Vùng trồng mía xã Thị Hoa ngày càng mở rộng. |
Đây là người đã có công đưa cây mía về Hạ Lang, biến vùng xa xôi của biên thùy trở thành vùng nguyên liệu mía đường sung túc, no ấm. Anh đã mở 45 lớp khuyến nông cho hàng ngàn người theo học, vận động các hộ nghèo vay vốn để mở rộng sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Năm 2014, diện tích trồng mía của toàn xã đã lên tới 321ha mía thương phẩm, sản lượng đạt 18 ngàn tấn, cho thu nhập 18 tỉ đồng. Nhờ cây mía, số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm.
Xã Thị Hoa còn hướng đến năm 2015, đưa diện tích trồng mía lên 800ha bằng cách chuyển đổi cây trồng, biến những diện tích đất trồng cây chưa hiệu quả thành đất trồng mía, tận dụng đất đai hoang hóa cải tạo lại để tăng diện tích mía.
Có thể nói, hầu như toàn tuyến biên giới Cao Bằng đều có dấu ấn đậm nét của cán bộ tăng cường xã mang quân hàm xanh. Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ các lãnh đạo chính quyền Đảng bộ các huyện biên giới đều kiến nghị BĐBP tiếp tục duy trì chủ trương này. Con đường tiến tới nông thôn mới còn nhiều vấn đề cần bàn tay tiên phong và đắc lực của BĐBP, đặc biệt với những khu vực biên giới xa xôi như Cao Bằng.