Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 10:20 GMT+7

Cao Bằng: Đạt nhiều thành tựu trên mặt trận chống đói nghèo

Biên phòng - Không phải ngẫu nhiên, tỉnh Cao Bằng được chọn là nơi đầu tiên tiến hành sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019. Đây là địa phương có nhiều thành tích vượt trội trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc chiến chống đói nghèo.

a5wg_11a
BĐBP Cao Bằng với mô hình giúp dân phát triển chăn nuôi hộ gia đình ở xã biên giới. Ảnh: TTH

Cao Bằng từng là địa phương nhiều năm liền phải đối mặt với tình trạng kinh tế-xã hội chậm phát triển, bế tắc trong các kế sách xóa đói giảm nghèo. Kéo theo đó, tình trạng thiếu thông tin, các khu vực dân cư bị chia cắt bởi địa hình đồi núi hiểm trở, hoang hóa đất đai vì thời tiết khắc nghiệt, tập tục lạc hậu chưa thể loại bỏ. Khác với nhiều địa phương khác, với cách phát triển tập trung, ưu tiên từng vùng và sử dụng cạn kiệt các nguồn lực tập trung cho các rốn nghèo thì Cao Bằng chọn cách đi lên bằng phương án tổng lực tỏa rộng và đồng bộ. Điều này được thống nhất cao trong Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng, từ đó, xây dựng kế hoạch tỏa rộng nhiều ban, ngành, đoàn thể.

Vùng biên giới Cao Bằng dân cư thưa vắng và khá giống nhau về đặc điểm cư trú, thành phần các dân tộc thiểu số. Việc áp dụng tổng thể các mô hình phát triển kinh tế-xã hội là phương án khả thi. Việc thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” có công sức không nhỏ của BĐBP phối hợp với nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để Cao Bằng có nguồn động lực phát triển trong những năm qua.

Đơn cử như việc tuyên truyền, vận động di dân ra biên giới, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ định canh định cư, hỗ trợ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Hiện tại, toàn bộ các khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đã có bước chuyển biến rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào đoàn kết xóm, bản biên giới ngày một bền chặt, khăng khít. Các đồn, trạm BĐBP Cao Bằng đều triển khai việc đưa đảng viên BĐBP về sinh hoạt tại các chi bộ xóm, bản biên giới; coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh làm nền tảng và động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Tiềm năng con người tại chỗ ở địa phương được khai thác triệt để, giữ gìn an ninh nông thôn trở thành nhiệm vụ của các xóm bản, trong đó có tuần tra bảo vệ cột mốc, đường biên, phát quang đường tuần tra biên giới, vừa khai hoang đất đai, canh tác làm kinh tế hộ gia đình, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Đặc biệt, Cao Bằng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, vận động nhân dân ra định cư ở các xóm biên giới, rà phá vật cản, xây dựng các công trình trên biên giới và xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở tại các xã, thị trấn biên giới với tổng số vốn lên đến hơn 700 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 177 tỉ đồng. Năm 2019, dự kiến, kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội vùng biên là 54,7 tỉ đồng. Hiện tại, đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã biên giới là Trường Hà (huyện Hà Quảng) và Đức Long (huyện Thạch An). Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có phương án hợp lực nên đa số các xã biên giới của Cao Bằng đều đạt được nhiều tiêu chí nông thôn mới.

BĐBP Cao Bằng với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành lực lượng chủ lực vừa góp vốn, góp ngày công lao động để diện mạo nông thôn miền núi rẻo cao thay đổi như ngày nay. Chỉ qua một thập kỷ, Cao Bằng xây dựng hoàn thành 167 ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo biên giới”, 30 nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, 20 nhà sinh hoạt cộng đồng, 44 công trình dân sinh trị giá trên 11 tỉ đồng, tổ chức trao tặng 1.144 con bò giống cho người nghèo và hỗ trợ 3.000 tấn xi măng cho các hộ nghèo.

Một số vùng nguyên liệu mía đường, dâu tằm và gừng ở Cao Bằng từ chỗ thua lỗ, xuống dốc đã có sức bật trở lại nhờ thực hiện đồng bộ nhiều phương án từ các lực lượng, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể. Việc vay vốn sản xuất, kinh doanh không chỉ thế chấp mà còn tín chấp. Tỉnh ủy Cao Bằng ra nhiều nghị quyết liên quan đến mở thủ tục hành chính thông thoáng để các doanh nghiệp và người dân có cơ hội tiếp cận với các cơ chế xóa đói giảm nghèo một cách nhanh nhất và hiệu quả tối đa.

Mặt khác, kinh tế cửa khẩu tại Cao Bằng phát triển một bước nhảy vọt. UBND tỉnh Cao Bằng quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới. Tính đến tháng 6-2017, địa bàn Cao Bằng đã có 16 dự án đầu tư nước ngoài của 12 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký là 42,375 triệu đô-la Mỹ và 618 tỉ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ, tạo ra cơ hội cho hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu tuân thủ pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp 2 bên biên giới qua lại, làm ăn buôn bán, phát triển. 

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho 5 năm sau, các khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng, Sóc Giang đang trong kế hoạch xây dựng quy mô. Cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu dự kiến sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế, đồng thời nâng cấp 2 cặp cửa khẩu tiểu ngạch thành cửa khẩu quốc gia Trà Lĩnh - Long Bang và Sóc Giang - Bình Mãng. Thời gian qua, các lối mở và cặp chợ biên giới, đã nhanh chóng làm thay đổi diện mạo các khu vực này. Sự lưu thông hàng hóa, đường giao thông và hạ tầng cơ sở được nâng lên một bước, kéo gần lại các khu vực trước đây quá xa cách và biệt lập với thành thị.

Những điều đó tạo thuận lợi cho Cao Bằng trở thành một điểm đến lữ hành ấn tượng. Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng gồm hệ thống núi, hang động và cảnh quan địa chất đặc sắc đã làm nên hình ảnh miền biên giới trữ tình, hùng vĩ và thu hút ngày một nhiều du khách tới Cao Bằng. Trong một thập kỷ tới, cùng với việc huy động tổng lực nhiều tiềm năng, thế mạnh của mình, Cao Bằng sẽ trở thành một vùng kinh tế-xã hội phát triển nhanh và ổn định của miền núi phía Bắc.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO